M&A tăng tốc bền bỉ
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đã xuất hiện từ lâu, song vốn nước ngoài vào Việt Nam qua hoạt động M&A bắt đầu gia tăng mạnh mẽ và đáng chú ý từ khoảng giữa năm 2016. Chính vì vậy, từ giữa năm này Cục Đầu tư nước ngoài đã bắt đầu thực hiện thống kê chính thức lượng vốn M&A như một phần quan trọng của vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Quả vậy, không còn là biểu hiện nhất thời, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chắc chắn sẽ trở thành xu hướng dài hạn trong tương lai. Còn trong ngắn hạn, vốn ngoại qua con đường mua bán và sáp nhập DN (M&A) vẫn đang duy trì tốc độ tăng cao, trở thành nguồn quan trọng bù đắp cho lượng vốn đăng ký mới và tăng thêm đang sụt giảm trong các tháng đầu năm.
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, số vốn góp và mua cổ phần của NĐTNN đã tăng tốc rất nhanh, đạt 6,19 tỷ USD trong năm 2017, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016, và cao hơn so với dự báo ban đầu là 5 tỷ USD. Đặc biệt, nếu như năm 2017 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đạt tốc độ tăng ngang ngửa so với vốn M&A, thì tới 5 tháng đầu năm 2018 chỉ có hoạt động M&A là duy trì được sức bền. Theo đó, trong khi lượng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm của NĐT nước ngoài giảm tới gần 20%, thì vốn góp và mua cổ phần lại tăng tới 53,5%, đạt 2,75 tỷ USD.
Trước con số thực tế này, các chuyên gia nhận định, dòng chảy vốn ngoại qua hình thức M&A sẽ ngày càng mạnh hơn, khiến đầu tư trực tiếp và gián tiếp mất dần ranh giới. Điều này sẽ tác động tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.
TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng đầu tư của NĐTNN qua hình thức M&A ngày càng gia tăng là điều tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập và mở cửa lĩnh vực dịch vụ khá lớn. Thời gian vừa qua chúng ta cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn của NĐT nước ngoài trong các ngành phân phối bán lẻ, bất động sản, tài chính… Điều này phù hợp với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nói chung và tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ nói riêng đều cao, tạo ra sân chơi lớn, làm cho khả năng M&A trong lĩnh vực này thuận lợi hơn.
Còn theo TS. Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt được con số kỷ lục hơn 30 tỷ USD trong năm 2017 là nhờ có tới 4 dự án tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng ngành điện, khai khoáng. Tuy nhiên để đàm phán và bắt tay vào thực hiện được một dự án tương tự thường mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, trong năm 2018 sẽ khó có khả năng vốn FDI duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như năm vừa qua. Thay vào đó, vốn đầu tư qua hình thức M&A sẽ là nguồn quan trọng để gia tăng sự hiện diện của NĐT nước ngoài vào Việt Nam.
Tạo lực đẩy cho khu vực trong nước
Nhận định về xu hướng đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, các chuyên gia về đầu tư nước ngoài đều cho rằng, đây không chỉ là một xu hướng đầu tư tất yếu mà còn rất cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, hình thức này phù hợp với chủ trương cổ phần hoá DNNN của Chính phủ nhằm biến các tài sản đang được sử dụng kém hiệu quả sang có hiệu quả cao hơn; đối với khu vực tư nhân vốn M&A cũng sẽ trở thành lực đẩy để giúp các DN nhỏ thoát khỏi tình trạng “chậm lớn”.
Ông Don Lam – Chủ tịch VinaCapital Group cho rằng cần thay đổi quan niệm về đầu tư nước ngoài, không nên hiểu chỉ là vốn FDI như trước đây. Bên cạnh đó, mặc dù được gọi là đầu tư gián tiếp song nguồn vốn M&A thực chất cũng được đưa trực tiếp vào chính các DN Việt Nam để phục vụ cho các nhu cầu phát triển dài hạn. Chưa kể một lợi ích khác của nguồn vốn này là “tiền tươi thóc thật” được đưa vào và giải ngân ngay, lập tức phát huy hiệu quả với DN.
Ông Don Lam dẫn chứng thương vụ đầu tiên của tập đoàn này là mua cổ phần của công ty Kinh Đô. Lúc đó Kinh Đô cần nguồn vốn lớn để phát triển các nhà máy bao bì nhằm tăng chất lượng mẫu mã của sản phẩm, song tại thời điểm đó DN này chỉ đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn, dài nhất là 12 tháng. Vì vậy nhờ nguồn vốn đầu tư dài hạn trong suốt thời gian hơn 10 năm của VinaCapital, Kinh Đô đã phát triển rất nhanh và trở thành một trong những thương hiệu nội địa hàng đầu Việt Nam.
Là NĐT lâu năm tại thị trường Việt Nam, vị này cho rằng Việt Nam đã có sẵn một đội ngũ DN phát triển đến mức nhất định, song tới nay lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn, cũng như áp dụng cách thức quản trị để phát triển chuyên nghiệp. Nhiều DN Việt Nam rất cần vốn để xây dựng hệ thống công nghệ mới, nhà máy mới để chuẩn bị cạnh tranh với các công ty khác trên toàn cầu. Trong khi đó các NĐTNN có sẵn nguồn vốn, lại muốn tận dụng sự hiểu biết về thị trường của DN Việt Nam, đồng thời sự hợp tác này còn giúp họ giảm được chi phí nghiên cứu thị trường cũng như xây dựng, thiết lập nền tảng ban đầu.
Một lực đẩy khác cho hình thức M&A trong thời gian tới là chính sách cổ phần hoá DNNN được đẩy mạnh. Các NĐTNN mong đợi tiến trình này được tiến hành thực chất hơn. “Nếu mỗi công ty nhà nước chỉ bán 5-10% thì chỉ có NĐT nhỏ lẻ mua, muốn đạt giá trị tốt thì phải bán với lượng lớn, ít nhất là vài chục %”, ông Don Lam khuyến nghị.
Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn đầu tư, ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam cảm nhận, chưa bao giờ sự quan tâm của NĐTNN đối với thị trường Việt Nam lại cao như những tháng đầu năm 2018. Theo vị này, NĐTNN tìm đến tư vấn phần lớn đều dành sự quan tâm đến hình thức thành lập liên doanh, mua cổ phần các DN Việt Nam đang hoạt động.
Ông Ái khẳng định liên doanh này là thực chất chứ không phải vì NĐT muốn tránh né các quy định pháp luật hoặc cơ chế chính sách. Họ muốn tranh thủ sự đóng góp của phía Việt Nam về hiểu biết thị trường, kết nối với khách hàng, nguồn nhân lực… Ông Ái cho biết thêm, NĐT dành sự quan tâm nhiều hơn cả đến lĩnh vực dịch vụ, đơn cử như các mô hình bệnh viện, trường học tư nhân, trung tâm ngoại ngữ…