Trong khi đó, VN-Index từ đầu năm đến nay giảm 5,1%, chưa kể nhiều cổ phiếu sụt giảm tới 10-20%. Đa số nhà đầu tư chứng khoán nửa đầu năm thua lỗ. Nhưng cái thiệt hại nhiều hơn của những người sở hữu cổ phiếu là nhìn thấy giá trị tài sản của mình cứ hao mòn đi dẫu không phải… khấu hao, còn đô la Mỹ gần như chưa bao giờ mất giá so với tiền đồng. Có thời điểm tiền đồng lên giá khoảng 1% so với đô la Mỹ, và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp ngay, tích cực mua vào ngoại tệ, ổn định tỷ giá.
Cứ với đà mất giá của đồng nhân dân tệ như hiện nay và căng thẳng chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ chưa biết đi đâu về đâu, đô la Mỹ đang giữ thế thượng phong với mọi thứ tài sản khác trên thị trường tài chính quốc tế. Trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, năm nay lại oằn mình trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá. Do tỷ giá chủ yếu biến động trong tháng 7 này, nên mức trích lập dự phòng tỷ giá nửa đầu năm chưa thấm tháp gì. Mức trích lập của sáu tháng cuối năm mới to. Các công ty nhiệt điện, xi măng, hóa chất, vận tải hàng không, dịch vụ hàng không, dầu khí… thường vay nợ nước ngoài nhiều. Những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất trong nước như dược phẩm, sữa, dây cáp điện, săm lốp cao su, giấy, sắt thép, hạt nhựa… đều đang khó khăn vì tỷ giá.
Bất động sản là lĩnh vực sẽ sớm bị ảnh hưởng, mà đã ảnh hưởng là với cường độ mạnh. Khi tỷ giá “nhảy nhót”, để bảo vệ giá trị tiền đồng, mặt bằng lãi suất sẽ được đẩy lên. Không có yếu tố nào tác động đến bất động sản mạnh như lãi suất. Hầu hết người mua nhà đều vay ngân hàng. Hiện lãi suất cho vay mua nhà, đất bình quân đã cao hơn khoảng 2%/năm so với đầu năm. Lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho các chủ đầu tư dự án nhà đất đang ở mức 11-12%/năm. Lãi suất này sẽ không dừng lại vì hai lý do. Thứ nhất NHNN luôn yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung cho vay năm lĩnh vực ưu tiên sản xuất, xuất khẩu, giảm cho vay chứng khoán bất động sản. Thứ hai tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến không quá 14-15%. Những “ông lớn” như Vietcombank, tín dụng đã tăng trưởng gần 12% trong sáu tháng đầu năm, nửa cuối năm chỉ còn 2-3% tín dụng nữa. Nhiều ngân hàng khác cũng đã sử dụng hết hai phần ba hạn mức tăng trưởng tín dụng. Phần tín dụng ít ỏi còn lại, tất nhiên, sẽ không dành cho bất động sản.
Tín dụng bất động sản, theo NHNN, hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của toàn hệ thống, ước số tuyệt đối trên 1 triệu tỉ đồng. Nhiều chuyên gia tính toán dư nợ bất động sản cao hơn, khoảng 20% tổng dư nợ. Bất động sản đã có một thời gian khởi sắc, tăng trưởng tương đối dài từ năm 2015 đến nay và nó sẽ khó giữ được nhịp độ tiêu thụ sản phẩm như vừa qua trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019.
Khi tỷ giá và lãi suất cùng vận động theo một chiều đi lên, tâm lý người dân sẽ chi tiêu ít đi, tiết kiệm nhiều hơn và chứng khoán thường không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm trong những giai đoạn như vậy. Lúc này, dòng tiền thông minh không ở trong thị trường, nó tìm kiếm cơ hội trong các thương vụ M&A, cổ phiếu chưa niêm yết nhưng có triển vọng niêm yết và tăng trưởng. Tiền còn lại trong chứng khoán sẽ trụ lại với cổ phiếu những doanh nghiệp kinh doanh ổn định, ưu tiên trả cổ tức tiền mặt và P/E thấp cộng với thị giá sát với giá trị sổ sách.
Ở tầm vĩ mô, việc đồng Việt Nam giảm giá sẽ làm cho con số trả nợ nước ngoài mà ngân sách chi ra năm nay lớn hơn. Những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài cũng tương tự. Sẽ có những doanh nghiệp trả nợ trước hạn thay vì đúng hạn để tránh áp lực tỷ giá. Từ đây, thêm một sức nặng vào nhu cầu ngoại tệ.
Khi các nhà xuất khẩu hưởng lợi nhờ tỷ giá (25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc về tập đoàn Samsung), các nhà nhập khẩu sẽ phải tăng giá bán hàng trong nước (trong đó có sản phẩm xăng dầu). Sự tăng giá cuối cùng người tiêu dùng gánh chịu. Sức mua không thể tăng khi giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ. Chỉ có duy nhất một thứ hàng hóa ngày càng rẻ khi các hàng hóa tiêu dùng khác đắt đỏ, đó là cổ phiếu!