Sóng đất nền lan từ thành phố lớn về các tỉnh
Từ cuối năm 2016, một làn sóng đầu tư đất nền “đổ bộ” rầm rộ tại các thành phố lớn, đi đầu là Hà Nội và TP.HCM. Tiếp ngay sau đó, làn sóng này dần trở thành xu hướng trong năm 2017, kéo dài đến đầu năm 2018 khi đồng loạt các thành phố khác trên cả nước cũng có giao dịch đất nền rất sôi động.
Trong năm 2017, thị trường bất động sản cả nước đã chứng kiến những cơn sốt đất nền tại nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang,…Trong khoảng một năm qua, giá đất ở các thành phố này đã tăng chóng mặt, đặc biệt tại các vùng ven TP.HCM, TP. Đà Nẵng và TP. Nha Trang… có nơi tăng gấp 2-3 lần.
Từ cuối năm 2017, thị trường đất nền giao dịch sôi động không chỉ dừng lại ở TP.HCM hay Đà Nẵng, Nha Trang mà đã lan rộng sang nhiều tỉnh, thành phố lớn khác, đặc biệt là các tỉnh công nghiệp phát triển và vùng du lịch trọng điểm.
Điển hình như thị trường Hải Dương, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, hàng nghìn sản phẩm đất nền đã được giao dịch. Cùng với Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc cũng là hai thị trường có tốc độ giao dịch đất nền sôi động nhất nhì phía Bắc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định, không phải thị trường nào cũng “nóng” mà sẽ có sự chọn lọc. Những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì đất nền càng có thanh khoản tốt.
Tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh, đất nền càng có thanh khoản tốt
Lý giải cho việc những địa phương có khu công nghiệp phát triển đang là “điểm nóng” của đất nền, giới chuyên gia bất động sản phân tích, hầu hết những tỉnh có công nghiệp phát triển là những tỉnh đứng đầu về thu hút FDI với sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu như Toyota (Nhật Bản), Honda (Nhật Bản); Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển)…
Không chỉ doanh nghiệp FDI, các tên tuổi lớn của Việt Nam như Vinamilk, Vinasoy, Kinh Đô… cũng góp mặt tại những tỉnh thành này. Song song với việc phát triển các cụm công nghiệp và các khu công nghiệp, nhà máy lớn là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hơn nữa, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và hàng chục nghìn công nhân vì thế cũng tăng cao.
Tại phía Nam, điển hình Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn và đã thu hút lũy kế được 27,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến tháng 7/2017 và ước tính mỗi năm cần 30.000 – 40.000 lao động mới cho nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ. Nhu cầu nhà ở tăng cao, cuối năm 2017, thị trường bất động sản Bình Dương có mức tăng giá bình quân 20-30% so với năm 2016.
Tại phía Bắc, những năm gần đây, Vĩnh Phúc nổi lên là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn về thu hút FDI. Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI đầu tư vào tỉnh thì tính đến tháng 1/2018 có tới 195 dự án FDI.
Vĩnh Phúc là cửa ngõ Thủ đô và nằm trong quy hoạch vùng Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 30km. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cộng với việc phát triển công nghiệp hơn 12 năm qua đã tạo đà cho việc phát triển hạ tầng xã hội và các khu đô thị.
Chính vì vậy, bất động sản Vĩnh Phúc được dự báo sẽ tạo lên một cơn sóng trên thị trường, do tại đây đã hình thành một lượng cầu cực lớn cho thị trường nhờ vào lực lượng lao động đông đảo cũng như hàng chục nghìn cán bộ quản lý, chuyên gia làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại địa bàn. Hàng năm, số lượng kỹ sư nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp như Toyota, Honda,…ngày càng tăng, kéo nhu cầu rất lớn về nhà ở.
Sở hữu tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản hiếm có địa phương nào tại phía Bắc có được, các dự án đất nền tại tỉnh Vĩnh Phúc đang là sản phẩm được nhà đầu tư săn đón nhiều nhất. Trong đó, dự án TMS Grand City Phúc Yên – dự án đất nền cuối cùng tại trung tâm thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đang được giới đầu tư ồ ạt xuống tiền.