Phạt nặng, phạt nhẹ
Ngày 14/6, UBCK đã ban hành tới 3 quyết định xử phạt cổ đông nội bộ, người có liên quan đến cổ đông nội bộ giao dịch “chui” cổ phiếu. Thực tế thời gian qua, không hiếm trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ bán “chui” lượng cổ phiếu lớn và thu về hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Điều này khiến nhà đầu tư quan ngại vì cho rằng, với mức phạt quá nhẹ này, rất có thể lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ sẵn sàng đánh đổi chịu phạt để giao dịch chui nhằm thu được món hời lớn.
Theo lãnh đạo UBCK, với thẩm quyền hiện nay, UBCK mới kiểm soát được chuyển nhượng cổ phiếu thế nào và trong phạm vi thẩm quyền của mình, UBCK đã xử lý nghiêm các vi phạm.
Với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, UBCK rất cẩn trọng trong chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an, để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai. Nếu vụ việc có dấu hiện vi phạm nghiêm trọng, mà UBCK không chuyển hồ sơ qua cơ quan công an, thì khi bị phát hiện, UBCK phải chịu trách nhiệm.
Đấu tranh với thao túng giá chứng khoán
Một hành vi vi phạm nhức nhối đang diễn ra là tình trạng thao túng giá chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, UBCK đã phạt nặng nhiều trường hợp. Mới đây, căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCK và kết quả làm việc với cơ quan công an, ngày 4/5, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt ông Nguyễn Minh Toàn (Tổ 18, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) 550 triệu đồng vì lỗi thao túng giá cổ phiếu.
Từ ngày 26/11/2015 đến ngày 8/8/2016, ông Toàn đã sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu MBG của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam.
Trước đó, UBCK đã xử phạt ông Đức Minh Đạo (Số 7, ngõ 126 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và bà Lương Thị Thu (14D Tòa Bình Vượng, Số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) đều với mức phạt 550 triệu đồng do hành vi liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu…
Câu hỏi mà thị trường, nhà đầu tư đặt ra là mức phạt như vậy đã đảm bảo tính răn đe chưa? Nhiều vụ sai phạm không thấy UBCK ra quyết định thu hồi khoản thu lợi bất chính, vì sao? Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCK cho biết, nhà đầu tư thao túng cổ phiếu có nhiều mục tiêu khác nhau.
Có trường hợp thao túng để tạo thanh khoản tốt bằng việc dùng kỹ thuật cho chứng khoán chạy lòng vòng giữa các tài khoản của họ, mà chưa thu lợi bất chính. Với trường hợp này, khi UBCK phát hiện thì xử phạt và đương nhiên không thể kèm theo đó là tịch thu khoản thu lợi bất chính vì trên thực tế không có.
Ngược lại có trường hợp vi phạm mà UBCK phát hiện nhà đầu tư thu lợi bất chính thì ngoài áp dụng mức hình phạt cao, UBCK còn ra quyết định tịch thu khoản thu lợi bất chính.
Bà Phương cho biết thêm, quá trình đấu tranh với hành vi thao túng giá chứng khoán, việc chứng minh được khoản thu lợi bất chính để tịch thu rất phức tạp. Có trường hợp cơ quan quản lý phải tham vấn ý kiến từ phía chuyên gia ở các công ty chứng khoán.
“Chúng tôi thường xuyên làm việc với cơ quan công an, viện kiểm sát để phối hợp đánh giá và xử lý vi phạm. Các trường hợp xử phạt hành chính về thao túng giá chứng khoán, UBCK đều phối hợp với cơ quan công an, chứ không tùy tiện ra quyết định xử phạt.
Từ vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến ra quyết định xử phạt là cả một quá trình, vì phải chứng minh được làm giá thông qua làm rõ hành vi câu kết, thông đồng, việc làm giá có tác động đến thị trường thế nào, mục đích thao túng để làm gì. Ở các nước, chẳng hạn Pháp, họ đưa ra cảnh báo hàng nghìn trường hợp có giao dịch bất thường, nhưng để có căn cứ đưa ra xử phạt thì không nhiều, vì việc chứng minh vi phạm cần nhiều thời gian, nhiều bằng chứng cụ thể”, bà Phương cho biết.
Cũng theo bà Phương, để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán và Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBCK đã kiến nghị bổ sung vào luật này các chế tài mới theo hướng tăng nặng, với mong muốn giữ gìn kỷ cương thị trường.