Theo kết quả công bố, quý 4/2019, IMP đạt doanh thu thuần 516 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018. Luỹ kế cả năm 2019, IMP đạt 1.402 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế 162,4 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018.
Trong giai đoạn 2018-2020, IMP đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt là 24% và 18% đối với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Công ty dự định đạt mức tăng trưởng doanh thu nhanh chóng từ kênh bệnh viện. Trong năm 2020, IMP dự kiến doanh thu từ kênh bệnh viện có thể vượt qua kênh nhà thuốc một lần nữa kể từ năm 2013.
Đối với doanh thu sản phẩm tự sản xuất của IMP, doanh thu kênh bệnh viện ước tính chiếm 68% trong năm 2022, từ 19% trong năm 2018. Các chuyên gia tài chính nhận định rằng kế hoạch này rất tham vọng, nhưng công ty hoàn toàn có cơ hội để đạt được mục tiêu khi tất cả 4 nhà máy sẽ cùng tạo ra doanh thu từ năm 2021, trong đó nhà máy IMP 2 bắt đầu tạo ra doanh thu kể từ Q4/2019 và IMP4 sẽ tạo ra doanh thu trong Q4/2020.
Với việc nhà máy IMP 2 và IMP 4 đi vào hoạt động, sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ cao hơn cũng như giá cao trong cơ cấu sản phẩm của công ty trong cả năm 2020 và các năm tiếp theo. Công ty đang đặt kế hoạch tăng trưởng hơn 300% so với cùng kỳ cho nhà máy IMP2, giữ mức kế hoạch tăng trưởng 70% cho nhà máy IMP3, trong khi nhà máy IMP 4 có thể tạo ra gần 100 tỷ đồng trong Q4/2020.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng nhiều loại thuốc được sản xuất ở nhà máy IMP 2 và IMP 3 sẽ trúng thầu trong đấu thầu tập trung thuốc quốc gia. Kể từ cuối năm 2017, Bộ Y tế bắt đầu thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia, nhằm giảm chi phí khám chữa bệnh, giảm áp lực cho quỹ BHYT, đồng thời hạn chế tiêu cực của ngành.
Đồng thời, các Thông tư gần đây của Bộ Y tế có xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc nội, 3 nhà máy chuẩn EU GMP của IMP sẽ là điều kiện tiên quyết để có thể tiến vào phân khúc chất lượng cao với giá trị lớn và ít cạnh tranh hơn thuốc tiêu chuẩn WHO GMP. Đó là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa đối với tổng doanh thu của IMP trong một vài năm tới.
Ngoài ra, IMP có bảng cân đối tài chính lành mạnh, khi đầu tư tài sản cố định liên tục trong thời gian gần đây, tuy nhiên công ty không hề phải vay nợ, mà chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn tự có và phát hành thêm. Nợ vay ngắn hạn của công ty quý 4/2019 còn giảm gần 70 tỷ đồng so với quý trước liền kề. Các khoản phải thu mặc dù tăng khá mạnh, nhưng ở mức bằng với tốc độ tăng doanh thu, khoảng 26%.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp và có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp. IMP thường dự trữ hàng nguyên liệu tồn kho trong 3-6 tháng, nhưng có một số hoạt chất chính chỉ được đặt đủ để sản xuất đến cuối Q1/2020. Do đó, dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho IMP nói riêng cũng như đối với các công ty khác thuộc ngành dược nói chung. Do đó, IMP đối mặt rủi ro cao xoay quanh việc nhập khẩu các hoạt chất chính từ Trung Quốc.
Đổi lại, dịch COVID-19 cũng có lợi ích tích cực phần nào đối với ngành y tế, dược phẩm do nhận thức đối với sức khỏe của người dân cao hơn. Các sản phẩm tăng cường sức đề kháng và tăng cường hệ thống miễn dịch, cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân đang được tiêu thụ một cách nhanh chóng và tạo nên cơn sốt trên thị trường trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia tài chính đánh giá rằng điểm trừ với IMP nằm ở phía ban lãnh đạo với tỉ lệ khen thưởng/ lợi nhuận sau thuế không hề thấp, khoảng 13%, trong khi nhà đầu tư thường ưa thích những doanh nghiệp có tỉ lệ này thấp hơn 10%.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của IMP ở mức 92 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng trung hạn của IMP đang tích cực. EPS của IMP có thể sẽ đạt 3.465 đồng trong năm 2020 sau khi loại trừ 12% quỹ khen thưởng phúc lợi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét nắm giữ cổ phiếu này với mức cắt lỗ là 56.000đ/cp, trong khi mức kháng cự ngắn hạn là 64.110đ/cp, hoặc cao hơn là 68.560đ/cp.
Diễm Ngọc