Không có dòng cổ phiếu dẫn dắt đã khiến thị trường chịu áp lực giảm trên diện rộng, tuy vậy việc thị trường có nhịp hồi cuối phiên sẽ là tín hiệu tích cực cho phiên cuối tuần khi hợp đồng tương lai tháng 3 đã đáo hạn hôm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3, chỉ số VN-Index giảm 21,72 điểm (-2,91%) xuống 725,94 điểm, khối lượng giao dịch đạt 353 triệu cổ phiếu với giá trị 4.218 tỷ đồng. Toàn sàn có đến 313 mã giảm giá, trong khi chỉ có 69 mã tăng và 44 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,85 điểm (-0,83%) xuống 100,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 94 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch là 589 tỷ đồng. Toàn sàn có 55 mã tăng, 100 mã giảm và 56 mã đứng giá.
Còn trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,93%) xuống 49,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,93 triệu đơn vị, giá trị 123 tỷ đồng, giảm 45% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên 18/3. Toàn sàn có 67 mã tăng và 107 mã giảm giá.
Điểm đáng chú ý là nhiều cổ phiếu bluechips như VIC, VHM, MSN, ACB, VRE… thu hẹp đáng kể giảm cùng SSI, NVL, TPB, KDH… hồi phục về mức giá tham chiếu đóng vai trò nâng đỡ cho chỉ số. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường khi hầu hết các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như ngân hàng, bất động sản, xây dựng… đều giao dịch dưới mức tham chiếu. Đặc biệt, các cổ phiếu ngành bảo hiểm, bán lẻ, thực phẩm như BVH, PVI, MWG, PNJ, VNM, SAB… giảm mạnh tạo ra áp lực không nhỏ tới thị trường.
Tại nhóm VN30, cổ phiếu SAB tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng giảm giá. Với việc giảm tiếp 6,6%, SAB chỉ còn 127.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất lịch sử niêm yết. VNM trong phiên cũng bất ngờ giảm mạnh 6,3% còn dưới 90.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, PNJ vẫn chưa ngừng rơi khi mất tiếp 5,2% đưa giá hiện tại chỉ còn 54.400 đồng/cổ phiếu…
Trong phiên, khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 513 tỷ đồng và đây cũng là phiên bán ròng thứ 28 liên tiếp. Cụ thể trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng với khối lượng 8,11 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 476,02 tỷ đồng, giảm 73,23% về lượng và 20% về giá trị so với phiên trước. Lực bán tập trung vào các Bluechips như MSN (83,18 tỷ đồng), HPG (78,42 tỷ đồng), VNM (63,39 tỷ đồng)…
Trên sàn HNX, khối ngoại đã bán ròng 6,62 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 20,27 tỷ đồng, giảm 71% về lượng và 69,71% về giá trị so với phiên trước. Trong khi đó, lực bán ròng mạnh nhất tập trung vào HUT với khối lượng 6,33 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng 12,67 tỷ đồng. Tiếp đến là PVS bị bán ròng 673.256 cổ phiếu, giá trị 6,95 tỷ đồng. Còn trên UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 2,11 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 26,43 tỷ đồng, giảm 65,6% về lượng và 9,08% về giá trị so với phiên trước.
Đánh giá về kết quả các chỉ số đạt được trong phiên 19/3, các chuyên gia chứng khoán cho biết, những lo ngại về khả năng dịch bệnh mở ra cuộc suy thoái cho nền kinh tế toàn cầu gia tăng đã khiến các chỉ số chứng khoán châu Á tiếp tục chìm sâu vào sắc đỏ. Không nằm ngoài xu thế này, thị trường Việt Nam chịu áp lực bán mạnh và giảm điểm mạnh trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhiều cổ phiếu bluechips thu hẹp biên độ giảm điểm đã hỗ trợ cho thị trường và giúp thị trường đóng cửa ở trên ngưỡng 720 điểm. Khối ngoại tiếp tục xu thế bán ròng khiến thị trường vẫn chịu áp lực khá lớn.
“Lực cầu bắt đáy tham gia tích cực trên thị trường đã giúp thị trường tránh khỏi phiên giảm điểm mạnh. Nhiều khả năng, lực cầu này sẽ tiếp tục duy trì trong một vài phiên tới và hỗ trợ cho VN-Index quay lại vùng 740 – 750 điểm. Tuy nhiên, rủi ro trên thị trường khá cao khiến VN-Index khó có thể đảo chiều sang xu thế hồi phục ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát thị trường và tránh mua đuổi trong các phiên tăng điểm của thị trường”, ông Chu Hà Thanh, chuyên gia phân tích chứng khoán khuyến nghị.
Trong khi đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB, thị trường vẫn dao động ở vùng hỗ trợ sau nhịp giảm sâu. Áp lực từ thị trường thế giới cùng mạch bán ròng của khối ngoại có thể làm nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Đâu là đáy của thị trường sau đợt giảm mạnh này là câu hỏi khó, tuy vậy nhà đầu tư có thể tập trung vào các cổ phiếu riêng lẻ cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới.
Liên quan đến thị trường phái sinh, kết thúc phiên giao dịch này 19/3, hợp đồng F2003 đóng cửa ở 678 điểm, giảm 10 điểm so với phiên trước. Trong khi đó, hợp đồng F2004 đóng cửa ở 667 điểm, giảm 15 điểm so với phiên trước với điểm basics ở mức âm 12,55 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư khá thận trọng trước khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN30 đã hồi phục vào cuối phiên hôm nay sau khi giảm sâu trong hầu hết cả phiên.
Nhiều khả năng, VN30 sẽ hồi phục về vùng 680 – 700 điểm trong các phiên sắp tới, chính vì vậy các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư có thể thực hiện trading trong vùng 660 – 680 điểm trong các phiên tới đối với hợp đồng F2004.
DCC