Việc đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu đã được VAMC quan tâm thực hiện từ trước khi Luật Đấu giá có hiệu lực (1/7/2017). Căn cứ những quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010; và Thông tư 18/2014/TT-BTP ngày 8/9/2014 hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ, VAMC đã chọn được danh sách gồm 71 tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để định hướng khi lựa chọn thuê tổ chức đấu giá tài sản.
Các TCTD được VAMC ủy quyền xử lý nợ xấu cũng căn cứ danh sách các tổ chức đấu giá trên chủ động ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và TSBĐ cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC để thu hồi nợ.
Đồng thời VAMC cũng phối hợp với các TCTD ký hàng chục hợp đồng dịch vụ với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để tiến hành đấu giá tài sản thu hồi nợ. Tuy nhiên, kết quả đấu giá vẫn còn khá khiêm tốn, trong 4 năm triển khai chỉ có 3 lần đấu giá thành công TSBĐ của khoản nợ xấu để thu hồi nợ.
Khi Luật Đấu giá được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, ngay sau đó Chính phủ cũng ban hành Nghị định 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017, VAMC đã được trực tiếp thực hiện đấu giá thu hồi nợ xấu. Xác định đây là công cụ rất quan trọng để xử lý nhanh nợ xấu, VAMC đã rất chú trọng, khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí và đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống văn bản nội bộ để trực tiếp thực hiện việc đấu giá tài sản.
Sau một năm khẩn trương thực hiện Luật Đấu giá và Nghị định 61 của Chính phủ, đến nay VAMC đã trực tiếp thực hiện đấu giá thành công 2 khoản nợ xấu gồm 1 khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt và 1 khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường. Số tiền thu được qua đấu giá 2 khoản nợ là 310,577 tỷ đồng. Tuy giá trị khoản nợ đấu giá không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là điểm khởi đầu thực hiện định hướng phát triển của VAMC theo đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực tại Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 5/1/2018 của Thống đốc NHNN.
Cùng với việc phối hợp thu giữ TSBĐ, VAMC và các TCTD đang áp dụng triệt để Nghị quyết 42 của Quốc hội để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Điều đó cũng minh chứng về hiệu quả thực tế của Nghị quyết 42 của Quốc hội, đúng theo kỳ vọng mà các đại biểu Quốc hội thay mặt cho nhân dân cả nước mong đợi.
Hiện nay, VAMC đang thực hiện các bước để đấu giá 3 khoản nợ xấu, đồng thời ký hợp đồng dịch vụ với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp đấu giá một số tài sản là TSBĐ để thu hồi nợ.
Ngoài ra, VAMC cũng đang tiếp nhận ngày càng nhiều những yêu cầu của các TCTD đề nghị VAMC phối hợp để đưa tài sản là những khoản nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu ra đấu giá để thu hồi nợ. Song song với đó, các TCTD đang thực hiện sự ủy quyền của VAMC cũng đang ngày càng đẩy mạnh việc thuê các tổ chức đấu giá chuyên thực hiện đấu giá thu hồi nợ.
Điều đó đang khẳng định đấu giá tài sản là công cụ hữu hiệu để xử lý nợ xấu của VAMC, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD. Đồng thời bước đầu thực hiện vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ theo đúng định hướng, mục tiêu của Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC trong giai đoạn 2017-2020 và hướng tới năm 2022 đã được Thống đốc NHNN Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 5/1/2018.