Hiện TP đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà, đất công. Trong đó, cho các đơn vị tiếp tục sử dụng gần 6.600 mặt bằng; bán đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân đang thuê hơn 1.500 mặt bằng; cho chuyển mục đích 90 mặt bằng.
Năng lực quản lý yếu
Theo giám đốc Nguyễn Toàn Thắng, thời gian qua, nhiều đơn vị được chấp thuận cho sử dụng đất nhưng không xem xét đến năng lực tài chính, ngành nghề kinh doanh. Điều này dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích như bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở, cho thuê kinh doanh, hợp tác kinh doanh trái quy định.
Thanh tra TP và Thanh tra Sở TN-MT đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các công ty, tổng công ty nhà nước. Theo đó đã phát hiện 99 mặt bằng sử dụng sai phạm, thu hồi tiền, tài sản về ngân sách gần 11,5 tỷ đồng.
Ông Thắng cho rằng nguồn lực từ nhà, đất công trên địa bàn TP rất lớn, nhưng việc sắp xếp, sử dụng để phát huy, khai thác hiệu quả còn chậm. Cụ thể, trong 197 mặt bằng thu hồi đến nay vẫn còn 28 mặt bằng chưa thu hồi xong. Trong 90 mặt bằng chuyển mục đích mới thực hiện được 34 mặt bằng.
Đặc biệt, trong 1.507 mặt bằng bán đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất còn tồn đọng đến 883 trường hợp chưa thực hiện được. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã được sắp xếp, xử lý nhưng chưa đưa đất vào khai thác, sử dụng đúng tiến độ, đúng mục đích và chức năng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các sai phạm do các cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, sai quy định, trong đó có trách nhiệm của Sở TN-MT.
Liên quan đến 68 khu đất công sau khi đã thu hồi, giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý, Sở TN-MT cho biết ngoài 17 khu đã và sẽ giao về cho các đơn vị theo chỉ đạo của TP, hiện còn 51 mặt bằng. Trong đó, mới đấu giá thành công 8 khu đất, số còn lại đang làm thủ tục bán đấu giá, đang quản lý hoặc đang xử lý các bước để thu hồi (do khi giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất vẫn còn hộ dân sử dụng).
Không dễ thu hồi
Tại TPHCM, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đang được cho thuê, sử dụng sai mục đích tràn lan nhưng việc thu hồi không hề dễ dàng. Điển hình như Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn TNHH MTV quản lý mặt bằng số 129, 129A Nguyễn Huệ, quận 1, đã cho thuê lại đất và tài sản dẫn tới phát sinh tranh chấp, đến nay không thể thu hồi. Công ty TNHH MTV Bò sữa TP (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV) đã cho 15 hộ mượn đất trồng cỏ, sau đó 15 hộ dân này sang nhượng cho 103 hộ. Hiện công ty đang giải quyết tranh chấp với các hộ dân trên phần đất được TP giao quản lý với diện tích hơn 212.000m2.
Tại quận 9, do quản lý yếu kém nên 10.000m2 đất công đã được cho thuê lại, lấn chiếm và xây dựng trái phép tại Phân viện Miền Nam của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Nguồn gốc đất, từ năm 1980 UBND TPHCM tạm giao gần 20ha cho Trường Đoàn Trung ương II làm Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thanh thiếu niên II (sau đổi tên thành Phân viện Miền Nam). Sau đó khu đất này được cho thuê để sản xuất gạch ngói. Đến khi hết thời hạn thuê, các đơn vị thuê không chịu giao trả mặt bằng mà chuyển nhượng qua nhiều người trong nhiều năm liền, khiến sự vụ được giải quyết bằng việc khởi kiện ra tòa án.
Còn tại huyện Củ Chi, có tới hơn 5.000ha đất công đã được cho thuê, trong đó có 27 tổ chức vi phạm pháp luật đất đai với hơn 736ha. Ngoài ra có khoảng 1.000 trường hợp người dân lấn chiếm, sử dụng đất công từ nhiều năm nay, có 238 địa chỉ nhà đất do Nhà nước quản lý nhưng chưa kê khai.
Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND TP thu hồi gần 5.000m2 tại khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 vì đã bán đất thuộc sở hữu nhà nước không thông quá đấu giá, làm giảm ngân sách. Tuy nhiên, việc thu hồi chắc chắn sẽ không hề dễ dàng vì chủ đầu tư đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng đóng tiền sử dụng đất. Việc thu hồi vẫn phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư.