Tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” tổ chức chiều 26/6, các chuyên gia đánh giá thuế tài sản rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam có đến 70% là người thu nhập trung bình và nghèo. Vì vậy, việc đánh thuế tài sản như thế nào để đảm bảo công bằng cho mọi người dân là điều cần thiết.
“Nhắm” vào bất động sản?
Các chuyên gia phân tích, đánh thuế tài sản vào bất động sản (BĐS) chính là sự cần thiết, đặc biệt đối với một quốc gia văn minh hiện đại. Đó chính là sự cần thiết thực hiện của những người có tài sản trên mức trung bình để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó “nhắm” đến số người có sự gia tăng tài sản nhiều hơn.
Số liệu của World Bank cho thấy, hiện nay có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản, thuế BĐS, thuế nhà, đất. Trong đó có 65 nước gọi là thuế tài sản, 51 nước gọi là thuế BĐS.
Bà Lê Thị Mai Liên, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), cho biết hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, cũng như không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản.
Bà Liên khẳng định, chủ yếu các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với BĐS. Chỉ có một vài nước đánh thuế đối với tài sản là ô tô, tàu bay, du thuyền như Hàn Quốc áp dụng thuế 0,3% đối với tàu bay, du thuyền loại thông thường và 5% đối với du thuyền hạng sang.
Hay Kyrgyzstan đánh thuế đối với phương tiện giao thông căn cứ vào dung tích xi lanh, loại xe, thời gian sử dụng hoặc tính trên 0,5% giá trị ghi sổ của tài sản. Còn Bulgaria đánh thuế tài sản đối với ô tô dựa trên động cơ có hệ số điều chỉnh theo năm sản xuất xe.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, bà Liên cho rằng Luật thuế mới nên lấy tên gọi là thuế BĐS. Ngoài ra, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).
Xác định rõ đối tượng
Quan điểm của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đưa ra sau khi tham khảo kinh nghiệm của một số nước về chính sách thuế tài sản là thuế tài sản chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công, nhà đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng. Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…) giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, ở Việt Nam hiện nay có những đại tỷ phú “ôm” nhà đất rất lớn, có số thuế nộp rất thấp. So với khối tài sản sinh lời, họ hưởng mọi hạ tầng đầu tư phát triển do toàn dân nộp thuế, ngày càng giàu lên nhưng không bị “phân phối lại” bao nhiêu, nguyên nhân vì họ không phải nộp thuế tài sản.
Vì vậy, ông Đức cho rằng: “Thuế Tài sản chỉ áp dụng cho người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản có giá trị lớn, đánh thuế lũy tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà, đất khi đánh thuế”.
Đưa ra phương án tính thuế, theo ông Đức, không nên tách riêng khoản thuế với nhà và đất như đề xuất của Bộ Tài chính, bởi nhà và đất là tổng thể không thể tách rời. Nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, để loại trừ tình trạng có người có 10 nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà.
“Với phương án tính thuế, nên cộng dồn tài sản sở hữu và chỉ đánh thuế tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên. Tránh tình trạng đánh thuế vào người có thu nhập thấp”, ông Đức nói.
Quan điểm này khác hoàn toàn với gợi ý về cách tính thuế nhà, đất của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính. Theo đại diện Viện này, ngắn hạn căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định, trung và dài hạn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường. Nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc.
Trước đó, hồi tháng 4, Bộ Tài chính ban hành Dự án Luật Thuế tài sản. Cụ thể, đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh…, có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm.