“Tháng 7, 8/2011, TTCK đặc biệt trầm lắng với diễn biến giảm giá, khiến nhiều tài khoản ‘ngủ yên’, trong đó có những tài khoản có tổng giá trị tài sản lên đến vài chục tỷ đồng. Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, các tài khoản đã giao dịch trở lại, đã có NĐT mới đến mở tài khoản và nộp tiền vào giao dịch”, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết. Không chỉ FPTS, tại nhiều CTCK khác, NĐT cũng đã quay lại sàn. Thực tế, giá trị giao dịch ổn định xung quanh 2.000 tỷ đồng/phiên trên cả hai sàn cho thấy, dòng tiền đang trở lại.
Tại CTCK Tân Việt (TVSI), một số NĐT tổ chức là doanh nghiệp đã đến mở tài khoản mới. Trong 3 đợt sóng nhỏ vừa qua, đợt 1 NĐT chỉ thăm dò là chính, nhưng đến đợt 2 và 3, nhiều tài khoản đã có giao dịch. Theo đại diện môi giới tại CTCK này, giao dịch tập trung vào hoạt động chốt lời và cơ cấu lại danh mục đầu tư. Thị trường lên vừa qua là cơ hội tốt để NĐT bán (thậm chí chấp nhận lỗ) những cổ phiếu yếu kém, không có tiềm năng. Nói về việc hỗ trợ NĐT, CTCK đã và sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo về thị trường, nhằm cung cấp thông tin đến NĐT. Với nền tảng công nghệ khá hiện đại, TVSI đã triển khai dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) theo quy định của UBCK.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, việc thị trường tăng điểm đã thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT, từ đó kích thích thanh khoản của thị trường, tạo ra không khí giao dịch khá sôi động. Tại FPTS hiện có 65.000 tài khoản, sau đợt sóng vừa qua, đã có 3/4 số tài khoản hiện có tiến hành giao dịch.
Một môi giới của CTCK Rồng Việt cho biết, ngay khi có tín hiệu hồi phục của thị trường, Công ty đã có thông báo thông tin cập nhật đến NĐT. Do nhiều NĐT rời bỏ thị trường đã lâu nên Bộ phận dịch vụ khách hàng, Phòng môi giới đã tích cực tiếp cận NĐT để cung cấp thông tin từ vĩ mô đến cụ thể từng mã cổ phiếu tới họ.
Theo ghi nhận của ĐTCK, những NĐT quay lại TTCK trong đợt sóng đầu tháng 9 vừa qua phần lớn là những người có kinh nghiệm “lướt sóng” hoặc cơ cấu lại danh mục. Những tài khoản mới mở mang tính chất thăm dò, chờ cơ hội nhiều hơn. Một chuyên gia chứng khoán nhận định, đợt tăng giá vừa qua chủ yếu do phản ứng trước quyết tâm hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Yếu tố quan trọng nhất là “sức khoẻ” kinh tế vĩ mô đến nay chưa được cải thiện nhiều. Vẫn còn không ít nỗi lo đè nặng tâm lý NĐT như áp lực tỷ giá thường gia tăng vào cuối năm, NĐT ngoại bán ròng (cũng liên quan đến tỷ giá), lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao.
Cho dù TTCK chưa thực sự sôi động, nhưng nhiều tài khoản khởi động giao dịch trở lại cũng kích thích tinh thần của các CTCK. Nhiều công ty đã tổ chức hội thảo, tiếp xúc NĐT để nỗ lực mang đến một cái nhìn chân thực về thị trường. Bên cạnh đó, mặc dù xác định khoản phí môi giới không phải là vấn đề quyết định với NĐT khi thực hiện giao dịch chứng khoán, nhưng không ít công ty vẫn giảm để hỗ trợ, khuyến khích NĐT giao dịch.
Kể từ ngày 1/9, CTCK VNDirect áp dụng mức phí giao dịch 0,15% cho tất cả các giao dịch mua, bán chứng khoán. Nhân dịp ra mắt dịch vụ giao dịch trực tuyến HBBS Online, CTCK Habubank cũng áp dụng mức phí giao dịch 0,15% cho các khách hàng đặt lệnh online, thời gian ưu đãi đến ngày 11/10/2011. Trong tháng 8/2011, CTCK Phú Hưng (PHS) có chương trình “Mở tài khoản, được 1 triệu VND”, áp dụng đối với những tài khoản giao dịch chứng khoán được mở từ 1/8/2011 đến 31/10/2011.
Không giảm phí giao dịch, nhưng FPTS đã đưa ra một số dịch vụ khá độc đáo: ứng trước tiền cổ tức cho cổ đông, hủy lệnh ứng trước. Với dịch vụ ứng trước cổ tức, sau khi nhận được xác nhận của doanh nghiệp về việc chuyển tiền trả cổ tức, tùy theo yêu cầu của khách hàng, FPTS sẽ thay doanh nghiệp trả cổ tức trước. Nghiệp vụ hủy lệnh ứng trước cho phép NĐT ứng tiền mua chứng khoán nhưng chưa mua được cổ phiếu có thể hủy lệnh nhằm giảm chi phí vốn ở mức thấp nhất.