Tuy nhiên, do đây là những câu chuyện mang tính đơn lẻ, nên sức nóng chỉ diễn ra ở chính những DN này, chưa đủ khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh toàn thị trường.
Cải thiện năng lực tài chính
Thời điểm cuối của mùa ĐHCĐ thường niên 2018, nhiều DN thực hiện chia cổ tức bằng CP với tỷ lệ cao ngay trong thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6. Đầu tiên là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức 2017 với tỷ lệ lên đến 50% (tương đương 65 triệu CP).
Kế hoạch phát hành thanh toán cổ tức của HBC đã được ĐHCĐ thường niên 2018 thông qua cuối tháng 4. Danh sách các DN phát hành CP chia thưởng còn có CTCP Thép Nam Kim (NKG) trả cổ tức đợt 2-2017 với tỷ lệ 40%; CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) phát hành thêm 606,8 triệu CP để trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 40%; CTCP Phú Tài (PTB) chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 với tổng tỷ lệ 60% (50% bằng CP); CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) phát hành hơn 74 triệu CP thưởng với tỷ lệ 50%; CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) thanh toán cổ tức 2017 với tổng tỷ lệ 90% (66,67% bằng CP).
DN mạnh tay nhất trong việc phát hành CP thưởng cho cổ đông ở thời điểm hiện tại là CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC). Ngày 12-6 vừa qua, MPC đã chốt danh sách cổ đông phát hành CP tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 100%. Như vậy, MPC sẽ phát hành hơn 68,46 triệu CP mới để thưởng cổ đông với giá trị phát hành gần 685 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán của công ty mẹ đến thời điểm 31-12-2017. Việc phát hành CP thưởng nằm trong chiến lược tăng vốn để “dọn đường” cho việc quay trở lại sàn niêm yết HOSE, sau hơn 2 năm hủy niêm yết tự nguyện (MPC hiện đang niêm yết sàn UPCoM). Ngoài CP thưởng, MPC còn phát hành 1,53 triệu CP ESOP và 60 triệu CP cho NĐT, nhằm nâng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Được kỳ vọng nhiều nhất trong tháng 6 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB). Theo kế hoạch, ngân hàng này chốt quyền chi trả cổ tức năm 2017 bằng CP với tỷ lệ 30,217% (cổ đông sở hữu 100.000 CP sẽ nhận được 30.217 CP mới). Trong đợt chốt quyền này, VPB còn phát hành thêm hơn 473 triệu CP thưởng để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 31,6% (cổ đông sở hữu 1.000 CP sẽ nhận được 316 CP mới). Kế hoạch tăng vốn của VPB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ đồng lên gần 25.300 tỷ đồng, bao gồm cổ tức bằng CP, CP thưởng, CP ESOP, phát hành CP riêng lẻ.
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPB, do đợt tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và nguồn vốn chủ sở hữu nên không có nguồn tiền mới bổ sung.
Tuy nhiên, việc giữ lại nguồn lợi nhuận thu được trong năm 2017 sẽ làm gia tăng năng lực tài chính và nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng. Đặc biệt, nguồn vốn này giúp VPB đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II và các tỷ lệ an toàn đối với các đối tác tài trợ vốn quốc tế như IFC, ADB.
Chưa đủ sức lan tỏa
Theo giới phân tích, những DN trả cổ tức cao (tối thiểu 15% trở lên) phần lớn thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thực phẩm, hóa chất, thép, bảo hiểm. Đây là các nhóm ngành cơ bản có triển vọng kinh doanh khả quan, những DN quyết định chia thưởng CP phần lớn có lợi thế cạnh tranh trong ngành.
Hơn hết, kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017 và dự báo về triển vọng kinh doanh sáng sủa trong năm 2018, là cơ sở quan trọng để những DN này quyết định tỷ lệ chia thưởng bằng CP, nhằm bổ sung vốn cho các hoạt động đầu tư cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh cho toàn thị trường.
Thực tế cho thấy, sau khi thông tin về mùa ĐHCĐ của các DN dần đi qua, việc công bố chia cổ tức ở mức cao ngay trong thời điểm cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6 là yếu tố tích cực, hỗ trợ cho giá CP trong bối cảnh thị trường không có nhiều thông tin tốt.
Thông thường, CP của những DN này thu hút sự chú ý NĐT, bởi đa phần đều có 1-2 phiên tăng giá mạnh trước hoặc sau ngày giao dịch không hưởng quyền. Đơn cử là trường hợp HBC, sau ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày 29-5), mã CP này có 1 phiên tăng trần (7%) và 1 phiên tăng hơn 5,5%. Tương tự, VPB có 1 phiên tăng trần và 1 phiên tăng hơn 6% sau ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày 16-8).
Ngược lại, HPG có loạt phiên tăng mạnh trước ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày 12-6), từ 48.000 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 25%). Hay cả NKG và MPC đều có chuỗi tăng mạnh trước ngày giao dịch không hưởng quyền (cùng ngày 11-6). Cụ thể, NKG có chuỗi tăng (2 phiên tăng trần), từ dưới mốc 20.000 đồng/CP lên xấp xỉ 25.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 25%). MPC đã có chuỗi tăng từ 70.000 đồng/CP lên 80.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 14%).