Các tiền đề bất hợp lý
Một mặt, báo cáo nêu rằng tỷ trọng tổng đầu tư vốn xã hội trên GDP trong giai đoạn 2010-2016 đã giảm còn khoảng 32,8%. Mặt khác, báo cáo khẳng định để có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6-8%/năm thì Việt Nam cần có mức đầu tư tới 35-40% GDP. Từ đây, báo cáo đặt vấn đề là để có được mức đầu tư này thì Việt Nam cần tăng cường vay nước ngoài.
Cách đặt vấn đề như trên là không thỏa đáng. Đành rằng khi nguồn tiết kiệm trong nước không đủ thì vay nước ngoài là tất yếu. Nhưng vay nước ngoài ở mức độ bao nhiêu là điều đáng nói. Tuy trong giai đoạn 2010-2016 tổng vốn đầu tư giảm xuống còn 32,8% GDP nhưng tăng trưởng trung bình vẫn đạt trên 6%. Hoặc như năm 2017 và nửa năm đầu 2018, tổng vốn đầu tư/GDP còn giảm xuống thấp hơn nữa (một phần thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể) nhưng tăng trưởng GDP thậm chí còn tăng cao hơn mấy năm trước đây.
Như vậy, giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng vốn đầu tư có thể không có quan hệ tuyến tính. Do đó, cũng không nên đặt vấn đề là để duy trì tăng trưởng GDP 6-8% thì phải tăng vốn đầu tư mạnh hơn hiện nay để rồi lấy đó làm cớ để tiếp tục đẩy mạnh vay nước ngoài hơn nữa.
Cần lưu ý rằng, như báo cáo cho thấy, nguồn vốn tích lũy trong nước khoảng 30% GDP. Như thế thì nếu khéo tằn tiện và tiếp tục cải thiện huy động vốn trong nước, đặc biệt là khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nước ngoài, và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công thì Việt Nam thậm chí còn có khả năng tự cung tự cấp vốn đầu tư mà không cần phải dựa nhiều vào nguồn vốn vay nước ngoài, kể cả ODA và vốn vay ưu đãi, ít nhất là trong trung và dài hạn. Lẽ ra, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải đi theo hướng này – đề ra chiến lược giảm dần và chấm dứt vay nước ngoài, chứ không phải là làm ngược lại như hiện tại.
Tư duy tranh thủ, tận dụng
Đọc phần nêu về tình hình huy động vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2017 trong báo cáo, người viết thấy toát lên tinh thần tận dụng, chạy nước rút để tranh thủ vay được càng nhiều vốn rẻ nước ngoài (gồm ODA, vốn ưu đãi và viện trợ không hoàn lại) càng tốt trước khi Việt Nam “tốt nghiệp” các nguồn vốn này trong giai đoạn 2017-2020. Như vậy, ưu tiên ở đây là vay được vốn rẻ chứ không phải là làm gì tốt nhất với vốn vay. Có thể vì thế mà cả nợ công lẫn nợ được Chính phủ bảo lãnh đã tăng trong năm 2017 (xem bảng).
Trớ trêu là từ năm 2017 cũng xảy ra hiện tượng ùn ứ giải ngân vốn đầu tư công. Điều này một mặt cho thấy việc vay vốn nước ngoài đã không được căn cứ vào tình hình đầu tư trong nước (các dự án đầu tư và tính khả thi, tiến độ triển khai…). Mặt khác, điều này đã và đang để lại hậu quả lớn là vay nợ tiếp tục tăng mạnh, tiền trả lãi vẫn đang phát sinh trong khi vốn vay về thì hoặc là đem gửi vào ngân hàng thương mại (NHTM) với lãi suất thấp (và chịu lỗ tỷ giá), hoặc là gửi ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tránh gây áp lực lạm phát.
Điều đáng nói nữa là tư duy tranh thủ nói trên xem ra sẽ được tiếp tục phát huy trong những năm tới, căn cứ vào nội dung báo cáo. Theo đó, chỉ tập trung vào tính xem nguồn vay nào rẻ nhất, có lợi nhất, khai thác, bổ sung được bao nhiêu nữa trước khi chạm trần các hạn mức vay nợ, và trước khi Việt Nam “tốt nghiệp” các nguồn vốn giá rẻ. Dường như báo cáo chỉ tập trung hoàn toàn vào chuyện đi vay, làm sao để vay được kịch trần, mà “quên” mất chuyện quan trọng là nếu cứ tìm cách vay kịch trần như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới giảm được nợ nước ngoài và giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Bỏ qua rủi ro tỷ giá
Báo cáo có sử dụng một số kịch bản giả định về phát triển kinh tế, trong đó có một số biến số vĩ mô, nhưng không có biến số tỷ giá là cái gắn thiết thực với khả năng vay nợ nước ngoài đặt trong hạn mức nợ công (bằng tiền đồng). Từ mức trần nợ công/GDP và GDP danh nghĩa, báo cáo tính ra được hạn mức nợ công và dư địa vay mượn thêm bằng tiền đồng. Với cách tính này, biến động tỷ giá đã bị loại bỏ.
Báo cáo cũng kiến nghị với Quốc hội cho phép điều chỉnh linh hoạt cơ cấu nguồn vốn giữa vốn vay trong nước và vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ giữ hạn mức 2 triệu tỉ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Mục đích của kiến nghị này có thể là để đảm bảo tính hiệu quả về chi phí. Cụ thể, nếu thấy vay nước ngoài rẻ hơn trong nước thì nên vay nước ngoài nhiều hơn, mà không bị “trói” bởi quy định về cơ cấu nguồn vốn.
Tuy nhiên, như đã chứng kiến, tỷ giá có những thời điểm tăng mạnh, đến hàng chục phần trăm, làm cho việc tăng cường vay nợ nước ngoài trở nên cực kỳ rủi ro, và đặt gánh nặng quá sức lên NHNN để ổn định tỷ giá nhằm đảm bảo khả năng trả nợ cho Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh bất ổn toàn cầu với chiến tranh thương mại và tiền tệ, việc tranh thủ, tận dụng mọi dư địa còn lại để vay nợ nước ngoài là điều bất cẩn, rất dễ đến khả năng là trần nợ công sẽ bị phá vỡ khi tỷ giá tăng mạnh hơn mức dự kiến/kỳ vọng hiện tại. Bởi vậy, trong thời gian tới cần phải duy trì dư địa vài điểm phần trăm còn lại như hiện nay giữa mức dư nợ công hiện tại với trần nợ công để phòng trường hợp tỷ giá thoát khỏi sự kiểm soát của NHNN.