Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017-2025.
Liên quan đến việc thoái vốn của Tập đoàn tại Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí – CTCP (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ mã DPM) và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC, Đạm Cà Mau mã DCM), ý kiến của Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này đảm bảo đến năm 2020 chỉ nắm giữ 36% vốn điều lệ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn ngày 11/8/2017, Tập đoàn sẽ giảm tỷ lệ nắm giữa của Tập đoàn tại Đạm Cà Mau từ 75,56% xuống 51% vốn điều lệ và giảm tỷ lệ nắm giữa tại Đạm Phú Mỹ từ 61,38% xuống 51% vốn điều lệ trong giai đoạn 2017-2018.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tập đoàn xin tiếp thu và đã hoàn thiện dự thảo Đề án theo đó Tập đoàn sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại Đạm Cà Mau (75,56% vốn điều lệ) và Đạm Phú Mỹ (61,38% vốn điều lệ) xuống 36% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2020. Để đảm bảo hiệu quả thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, PVN đã và đang xây dựng phương án tối ưu nhất trong đó bao gồm cả việc hợp nhất 2 đơn vị này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Tại văn bản này, PVN cũng cho biết về phương án thoái vốn tại các đơn vị thuộc lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Theo đó, kiến nghị giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD) từ 50,4% vốn điều lệ hiện nay xống còn 36% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2020 thay vì mức 25% như đề xuất trước đó do hoạt động của PVD có yếu tố nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khác như Petrosetco, PVE, PVC được kiến nghị đến năm 2020 sẽ thoái sạch vốn tại các doanh nghiệp này. Hiện tỷ lệ sở hữu của PVN ở lần lượt 3 đơn vị Petrosetco, PVE, PVC là 22,24%; 29% và 36%.