Kiểm soát tín dụng gắn chặt kiểm soát lạm phát
Một trong những nội dung chính tại Chỉ thị 04 về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Ngân hàng được quan tâm nhiều nhất đó là NHNN kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng (TTTD). Theo đánh giá của giới chuyên môn, mục tiêu kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm của NHNN gắn trực tiếp với TTTD. Điều đó thể hiện rõ khi Chỉ thị nhấn mạnh, việc kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra và không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu TTTD trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém.
Chủ trương kiểm soát tín dụng, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, không có gì là bất ngờ đối với các ngân hàng. Bởi ngay từ đầu năm, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính, NHNN đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ngân hàng. Chỉ có điều khác là không như những năm trước thường đến giai đoạn giữa năm các ngân hàng lại được NHNN xem xét nới room tín dụng, năm nay thì điều này không lặp lại. Động thái này của cơ quan quản lý được đánh giá là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện tình hình tài chính thế giới đang biến đổi nhanh và có những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát trong năm nay cũng như năm sau…
Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều năm qua Việt Nam đã duy trì tỷ lệ đòn bẩy tín dụng ở mức cao và điều đó đã được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo tiềm ẩn rủi ro đối với lạm phát và ổn định vĩ mô. Tuy tốc độ tăng lạm phát chậm lại và Chính phủ chỉ đạo không tăng giá các dịch vụ thiết yếu, nhưng với biến động của giá dầu thô, tỷ giá có xu hướng tăng đang tác động đến giá nhiều mặt hàng nhập khẩu…
Mặt khác, thời gian gần đây thị trường BĐS có dấu hiệu bong bóng, vì thế NHNN cần phải kiểm soát chặt dòng vốn vào lĩnh vực này. Trong trường hợp xấu, thị trường BĐS bị đóng băng vốn ngân hàng không bị chôn vốn ở lĩnh vực này như giai đoạn trước đây đã từng xảy ra.
Bên cạnh đó, NHNN muốn các ngân hàng củng cố năng lực tài chính của mình tốt hơn. Theo đó, ngân hàng muốn cho vay nhiều hơn thì phải đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu tạo được nguồn tái tạo cũng như tự tạo dư địa cho mình. Như vậy, tín dụng tăng trưởng thực chất hơn thay vì khê đọng lớn trong nợ xấu như trước đây.
Vấn đề đặt ra đối với không ít ngân hàng hiện nay là họ đã sử dụng gần cạn room tín dụng như VPBank, LienVietPostBank, MB… Trong khi nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng, nên chắc chắn những ngân hàng này sẽ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Liệu rằng NHNN sẽ nhân nhượng nới room cho các NH?
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN chưa có ý định điều chỉnh TTTD mà kiểm soát chặt TTTD, nhất là vào lĩnh vực BĐS, chứng khoán. Các ngân hàng muốn cho vay thêm phải tích cực thu hồi nợ để tiếp tục cho vay mới. “Nợ phải luân chuyển, chứ không phải các ngân hàng cho vay để nợ xấu không thu hồi được lại đòi cho vay mới. Mặt khác, các ngân hàng phải xem xét lại kế hoạch TTTD của mình, tại sao nửa năm đã sử dụng hết room tín dụng cả năm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông, các ngân hàng muốn có chỉ tiêu tín dụng tốt thì phải xem xét hệ số an toàn vốn có đảm bảo an toàn không? nguồn vốn huy động có tốt không? Nếu cứ cho vay mà không thu hồi được nợ sẽ phải huy động với lãi suất cao để cho vay tiếp. Đối với ngân hàng quy mô nhỏ, NHNN vẫn cho phép TTTD từ 17-18% thậm chí là hơn 20%. Những ngân hàng mà NHNN giao chỉ tiêu thấp đa phần là do hệ số an toàn vốn thấp.
Tín dụng không tăng quá 17%
Trên thực tế, có không ít ý nghĩ cho rằng, các ngân hàng sử dụng gần hết room tín dụng sẽ ngồi chơi xơi nước những tháng cuối năm. Nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank cho hay, tín dụng không đứng im mà vẫn luân chuyển hàng ngày, giảm dư nợ này tăng dư nợ khác. Khi đặt ra kế hoạch TTTD, không bao giờ ngân hàng này nhìn vào con số hạn mức 14% mà quan trọng là ngân hàng cho vay mới được bao nhiêu, thu hồi nợ bao nhiêu. Trong thu nợ có tái cấp vốn tiếp tục hay không và tái cấp thêm là bao nhiêu.
“Trên thực tế khi ngân hàng lên kế hoạch TTTD thì bao giờ cũng sẽ phải kết hợp kế hoạch thu nợ. Nửa cuối năm 2018, LienVietPostBank có kế hoạch thu nợ rất nhiều khoản lớn. Có nghĩa là mức TTTD của ngân hàng đến thời điểm này là 13,3% chỉ là mức tương đối và nó sẽ không đứng im cho đến hết năm”, bà Sơn bổ sung.
Với thông điệp rõ ràng của NHNN tại Chỉ thị 04, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, cũng sẽ phải thích nghi với chủ trương trên và tái cơ cấu danh mục tín dụng cũng như nguồn thu để đảm bảo không tác động nhiều tới lợi nhuận. Lãnh đạo vụ cục chức năng lưu ý, NHNN sẽ giám sát chặt hoạt động tín dụng. Đối với ngân hàng nào để tín dụng tăng trưởng quá cao vào các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… NHNN sẽ tiến hành thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, nhất là những hành vi vi phạm đã được cảnh báo. Những TCTD không chấp hành chỉ tiêu TTTD và không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định cũng sẽ bị NHNN xử lý nghiêm.
Đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, TTTD toàn hệ thống đạt mức 8%. Định hướng toàn ngành là tín dụng năm 2018 tăng ở mức 15% và tối đa chỉ là 17%. Như vậy, đây là mức TTTD thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Lý giải thêm về điều này, ông Hùng cho biết, ngay từ năm ngoái NHNN cũng không muốn TTTD quá cao, dù Chính phủ chỉ đạo tăng lên 21%. Chính vì vậy, NHNN đã để mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 18%. Năm nay, GDP tăng trưởng khá tốt nên vốn ngân hàng không chịu nhiều sức ép. Nếu tín dụng năm nay không điều chỉnh về mức thích hợp, có thể dồn tụ tín dụng của những năm trước sẽ gây sức ép lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2019.
Theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng, dư nợ tín dụng mà hệ thống ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế đã gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua và 80% vốn cho nền kinh tế dựa vào vốn ngân hàng. Vấn đề nữa mà TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt ra là nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi gần nửa số vốn này phục vụ nhu cầu vay trung, dài hạn. Điều này không những đẩy gánh nặng lên vai các NHTM mà tạo rủi ro thanh khoản lớn tại các ngân hàng. Do đó, thời gian tới cần phải giải tỏa gánh nặng cho các NHTM nếu không muốn hệ thống ngân hàng lặp lại vết xe đổ của bài học rủi ro thanh khoản, nợ xấu đã từng xảy ra.