P/E thấp, cổ phiếu có rẻ không?
Một trong những tiêu chí để có thể tìm và lựa chọn những cổ phiếu “tốt và rẻ” đó là tìm mua những cổ phiếu có tỷ số P/E thấp. Thông thường, để đánh giá một cổ phiếu rẻ hay đắt, nhà đầu tư có thể dựa vào tỷ số P/E – là hệ số giữa giá cổ phiếu (Price) trên lợi nhuận của một cổ phiếu (EPS), phản ánh mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu.
Cổ phiếu P/E thấp thường là cổ phiếu của doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong hoạt động (về tài chính, kinh doanh…) và triển vọng phát triển kém, khiến thị giá cổ phiếu và EPS đều ở mức thấp; doanh nghiệp xuất hiện lợi nhuận đột biến (chẳng hạn do bán tài sản); doanh nghiệp đang ở vùng đỉnh chu kỳ kinh doanh (cổ phiếu theo chu kỳ)…
Tuy nhiên, cũng có những cổ phiếu có EPS cao, lợi nhuận tăng trưởng…, nhưng bị thị trường trả giá thấp, tức là đang ở mức mua rẻ – đây là những cổ phiếu mà nhà đầu tư cần tìm kiếm.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng, P/E chỉ có tác dụng thực sự khi đặt trong cùng hoàn cảnh, điều kiện giữa các doanh nghiệp.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến P/E như tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tăng trưởng GDP…
“Khi các điều kiện kinh doanh, tài chính, vĩ mô… như nhau, chỉ số P/E càng thấp càng tốt. Theo kinh nghiệm, tôi thường chọn những cổ phiếu có P/E dưới 10 lần”, nhà đầu tư Trần Anh Dũng nói.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SRA của Công ty cổ phần (CTCP) Sara Việt Nam là một trong những cổ phiếu có P/E thấp, ở mức 4,7 lần. Tuy nhiên, cổ phiếu này gây chú khi tăng giá tới hơn 150% chỉ trong 1 tháng qua và tăng hơn 94% từ đầu tháng 8 đến nay, SRA. Nếu tính từ đầu năm, mức tăng còn “khủng” hơn, đạt 207%.
Lý do khiến cổ phiếu SRA tăng phi mã được cho là xuất phát từ kết quả kinh doanh đột biến quý II/2018 với lợi nhuận sau thuế 29,37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 0,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty mẹ SRA ghi nhận 28,8 tỷ đồng lãi ròng, cùng kỳ là 0,88 tỷ đồng. Theo đó, EPS 6 tháng của SRA đạt 14.393 đồng – thuộc nhóm cao nhất thị trường.
Giải trình nguyên nhân biến động lớn này, Sara Việt Nam cho biết, là do Công ty đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng và dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của Sara Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay khá trồi sụt. Trong 3 quý đầu năm 2017, lợi nhuận của Công ty duy trì ở mức vài trăm triệu đồng, đến quý IV/2017 bất ngờ tăng vọt lên 10 tỷ đồng, nhưng sang quý I/2018 tụt xuống chỉ còn vài chục triệu đồng, trước khi tăng đột biến trong quý II/2018.
Sự bất ổn định trong hoạt động kinh doanh của Sara Việt Nam không đủ sức tạo niềm tin cho tương lai sẽ tốt. P/E thấp, EPS cao, nhưng thật khó để khẳng định, giá cổ phiếu này đang… rẻ. Kết thúc phiên 17/8, SRA tiếp tục tăng trần lên 27.300 đồng và là phiên tăng trần thứ 11 kể từ ngày 30/7.
Tương tự SRA là trường hợp của CTCP Vimeco (mã VMC) hay CTCP Truyền thông VMG – VMG Media (mã ABC). Năm 2017, Vimeco đạt 211 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 8 lần năm 2016 nhờ hạch toán dự án Khu căn hộ CT4 Vimeco tại quận Cầu Giấy, Hà Nội trong quý IV/2017, trong khi lợi nhuận 3 quý trước đó chỉ từ 5-8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, Công ty mẹ Vimeco lãi ròng 39,3 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm 2017; EPS đạt 25.650 đồng; P/E là 1,54 lần.
Trên thị trường, cổ phiếu VMC biến động khá mạnh từ đầu năm đến nay. Từ mức giá 21.000 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu VMC đạt đỉnh 27.000 đồng vào trung tuần tháng 4, sau đó giảm về 21.000 đồng vào trung tuần tháng 6, trước khi tăng trở lại mức 25.000 đồng như hiện tại.
VMG Media lãi sau thuế 305 tỷ đồng trong năm 2017 nhờ bán công ty con VNPT Epay cho UTC Investment – một quỹ đầu tư của Hàn Quốc trong quý II/2017.
Tuy nhiên, sau khi bán đi tài sản giá trị nhất, hoạt động kinh doanh của VMG Media không mấy sáng sủa, lợi nhuận chủ yếu đến từ lãi gửi tiết kiệm. Kết thúc 2 quý đầu năm 2018, lợi nhuận ròng của Công ty mẹ VMG Media chỉ là 7,1 tỷ đồng, EPS đạt 1.150 đồng và P/E là 6,52 lần.
Về diễn biến cổ phiếu, từ đầu tháng 8 đến nay, thị giá cổ phiếu ABC tăng nhẹ 7% lên 7.500 đồng (giá chốt phiên 17/8). Tuy nhiên, tính từ đầu năm (giá phiên 2/1/2018 là 14.800 đồng), ABC giảm tới hơn 97%.
Tìm cơ hội với hàng bluechip có P/E thấp hơn trung bình thị trường
Sau giai đoạn tăng trưởng từ đầu năm 2017 và lập đỉnh mọi thời đại 1.204 điểm vào phiên 9/4/2018, chỉ số VN-Index đã giảm rất mạnh trong quý II/2018, bất chấp các yếu tố vĩ mô đều tích cực.
Thống kê cho thấy, VN-Index đã mất hơn 25% giá trị trong thời gian này. Cùng với đó, giá trị giao dịch trung bình phiên cũng giảm xuống khoảng 4.000 tỷ đồng/phiên trong quý II, so với con số 6.000 tỷ đồng/phiên trong quý I.
Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), sau giai đoạn điều chỉnh, VN-Index đang cho thấy dấu hiệu tích lũy ở mặt bằng giá hấp dẫn. Ở mức định giá hiện tại, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở quanh mức 16-17 lần, tương đương với các thị trường trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan.
Thậm chí, nếu loại trừ một số mã vốn hóa lớn như VIC, VHM và VRE, VN-Index đang có mức P/E khoảng 14,3 lần. Đây là mức giá khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn để giải ngân vào những nhóm ngành triển vọng.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, nhiều cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt P/E đã giảm thấp hơn so với P/E của thị trường. Theo thống kê của SSI, tính đến hiện tại, trong số 40 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn niêm yết, có tới 29 cổ phiếu có P/E dưới 16 lần, trong đó mã có P/E thấp nhất là cổ phiếu GMD của CTCP Gemardept (3,98 lần).
Bên cạnh đó, P/E của nhiều mã đầu ngành hiện đã giảm đáng kể so với thời điểm thị trường đạt đỉnh như HPG (8,98 lần), FPT (8,59 lần), PVS (10,53 lần), CTG (12,36 lần)…
“Từ nay đến cuối năm, ngân hàng, điện, dầu khí, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp là những ngành dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực. Do đó, cơ hội sẽ đến với nhà đầu tư tìm được những cổ phiếu đang định giá rẻ thuộc những nhóm ngành này”, KIS đánh giá.