Câu hỏi chất vấn đầu tiên cổ đông dành cho Ban lãnh đạo Công ty là tiến độ pháp lý Dự án Phước Kiểng. Nếu không hoàn thành thì việc đền bù cho đối tác đã đặt cọc 50 triệu USD cho đối tác ra sao?
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT QCG cho biết, không chỉ các cổ đông rất nóng lòng về dự án Phước Kiểng, mà bản thân bà cũng mất ngủ vì Dự án Phước Kiểng.
Dự án không vướng gì, chỉ vướng đền bù giải tỏa, dù dự án đã giải tỏa 95% diện tích. May mắn là QCG là gặp được đối tác ứng tổng cộng 2.800 tỷ đồng để thoát áp lực nợ, nhưng sau 6 tháng qua không ứng nữa, vì đền bù quá chậm.
Theo bà Loan, ban đầu, Công ty cũng nghĩ có tiền vào giải tỏa, nhưng thực tế khi vào thì phức tạp, vì có 88 hộ dân mua bán giấy tay diện tích 100 m2, 200 m2, có nhà chỉ 15 m2. Phần diện tích đền bù nằm ngay trục giao thông chính của dự án, trong khi Nghị định 139 quy định, đất nông nghiệp không được xây nhà.
“Các hộ dân ở đây chủ yếu là người có tiền, họ ở nơi khác, nhưng cất nhà trọ cho thuê ở đây. Có hộ đòi 1 m2 đất nông nghiệp đổi hai m2 đất ở dự án”, bà Loan nói.
Cũng theo bà Loan, đến nay, 88 căn nhà trên đê bất hợp pháp đã đền bù được 44 hộ dân. Các hộ dân còn lại, QCG đang kiếm mua đất ở để cất nhà, đã cất được 35 căn, còn 19 căn còn lại còn chờ.
“QCG đã chấp nhận đền bù gấp mấy lần giá cũ, nhưng nếu tính theo cách tính đền bù của bà con, thì phải đền bù 2.000 tỷ đồng nữa mới xong thì bán ra làm sao. Nên 3 tháng rồi không đền bù được một ai”, bà Loan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Loan cho biết, đối tác Sunny cũng có lỗi là chuyển tiền chậm, ảnh hưởng đến đền bù và QCG rất thiện chí nên bên đối tác không phạt QCG.
Theo bà Loan, ngoài đối tác Sunny, có nhiều đối tác khác quan tâm đến Dự án Phước Kiểng, nhưng QCG không thể trả lời khi nào đền bù xong. QCG hy vọng, tháng 11/2017 có một quy định không cho phép cất nhà trên đất nông nghiệp, nên hy vọng các hộ dân cất nhà trọ trái phép sẽ bị cưỡng chế, nhưng cưỡng chế vô cùng khó khăn cần nhiều thời gian.
Bà Loan nhấn mạnh, khó khăn là vừa lo giải phóng dự án Phước Kiểng, vừa lo các dự án khác để có doanh thu và lợi nhuận cho cổ đông. QCG đang tính đến phương án làm thủ tục giao đất đợt 1 với phần đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai sớm dự án này.
Với dự án 32 ha mua của Công ty Tân Thuận, bà Loan chia sẻ, ban đầu dự án này còn da beo, trong đó có 5 ha của QCG đã đền bù. Khi QCG tìm đến Tân Thuận, thì Tân Thuận không mua lại dự án của QCG. QCG muốn hợp tác liên doanh, nhưng khi làm thủ tục thì Tân Thuận không đủ năng lực tài chính để hợp tác đầu tư dự án. Vì thế, Tân Thuận trình lên UBND Thành phố xin bán dự án cho QCG. QCG nhận chuyển, thì sau đó có thông tin là bán rẻ dự án.
Theo bà Loan, nỗi oan của QCG là đất 32 ha đó là đất nông nghiệp, nếu khi chuyển quyền sử dụng đất Nhà nước áp tính thuế theo phương pháp thặng dư lấy giá thị trường trừ đi giá mua, trừ lãi vay…, thì QCG vẫn phải đóng thuế cao, theo giá thị trường. Hiện nay, Tân Thuận đã trả lại tiền cho QCG.
Đại hội đã thông kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, bằng 139,5% và 62,9% so với năm trước.