Cơ cấu cổ đông của BSR khá phong phú với cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu hơn 92% cổ phần, 623 nhà đầu tư trúng đấu giá trong phiên IPO hồi tháng 1/2018, trong đó có 62 tổ chức, 561 cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, tương đương 61% khối lượng chào bán.
Đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị mới với 5 ứng viên được đề cử bởi PVN và Ban Kiểm soát với 3 thành viên.
Nhiều nội dung đáng chú ý đã được các cổ đông cá nhân, quỹ đầu tư nêu ra tại phần chất vấn. Cụ thể, về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cho các năm 2019-2022, BSR đề xuất:
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
Doanh thu (tỷ đồng)
|
108.130
|
95.520
|
98.325
|
133.401
|
Lợi nhuận sau thuế
|
6.376
|
4.767
|
4.471
|
3.678
|
Cổ đông đặt câu hỏi tại sao lại có sự biến động rất lớn qua các năm và kết quả kinh doanh không theo một đồ thị tăng trưởng nhất định nào.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR giải thích, cơ sở xây dựng kế hoạch bắt đầu từ 2019 được lập với giả định giá dầu 70 USD/thùng, năm 2020, BSR đến lịch bảo dưỡng, nhà máy phải dừng 30 ngày sản xuất nên lợi nhuận thấp hơn; năm 2021 có giai đoạn kết nối nhà máy cũ và mới, còn năm 2022, BSR phải trích khấu hao cho nhà máy mở rộng.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của BSR còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tập trung vào tối ưu hóa nhà máy, nâng cấp chất lượng sản phẩm và cắt giảm chi phí hiệu quả.
Về dự án nâng câp mở rộng nhà máy, theo kế hoạch, sẽ hoàn tất trong năm 2021, theo Chủ tịch BSR Lê Xuân Huyên, BSR sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành nhà máy đúng tiến độ, dù các thủ tục pháp lý để đầu tư nhà máy là vô cùng phức tạp và kéo dài thời gian.
“Đây là sự sống còn, tương lai của nhà máy. Nếu chậm tiến độ dự án thì sẽ làm giảm sản xuất theo kế hoạch”, ông Huyên nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai được các cổ đông tập trung chất vấn là bao giờ BSR sẽ chuyển sang niêm yết trên HOSE và kế hoạch thoái vốn Nhà nước xuống 43% bao giờ được triển khai.
Theo thông tin BSR công bố khi IPO, việc niêm yết trên HOSE sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp IPO. Đồng thời, BSR cũng triển khai việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nhằm giảm phần vốn nhà nước xuống 43%. Tuy nhiên, theo chủ trương mới nhất của Chính phủ, việc bán vốn sẽ thực hiện qua sàn, bởi thế, BSR sẽ tập trung vào công tác quyết toán vốn cổ phần hóa và triển khai việc thoái vốn nhà nước qua sàn, trước khi niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Đại diện một số quỹ đầu tư cũng đưa ra yêu cầu có cơ chế linh hoạt về chi trả cổ tức cho cổ đông. Theo dự kiến, BSR sẽ chi trả 7%/năm, cổ đông đề xuất nếu doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận thì cổ tức trả tăng tương ứng với phần vượt, tương tự như quỹ lương thưởng của Công ty được BSR đề nghị tăng tương ứng. Việc này nhằm dung hòa lợi ích các bên, cổ đông, người lao động, ban lãnh đạo doanh nghiệp…
Tại đại hội, lãnh đạo BSR cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư đã làm việc với BSR để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư như Tập đoàn Petrolimex Việt Nam, Công ty Dầu lửa quốc gia Ấn Độ, Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporarion Public Company Limited (Thái Lan)…
Các nhà đầu tư quan tâm bởi đây là lĩnh vực có hiệu quả rất cao hiện nay cũng như trong tương lai, nhờ tận dụng cơ sở hạ tầng nhà máy lọc dầu đã đầu tư sẵn có hiện nay, cũng như tiềm năng phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu trong tương lai.
Sau 9 năm đi vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo ra doanh thu khoảng 38 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước khoảng 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD.
6 tháng đầu năm, BSR đạt doanh thu 55.359 tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 2.947 tỷ đồng, tương đương 84,7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018.