Da giày là một trong những mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam khi đang bước vào mùa vụ XK từ giữa quý II/2018. Dự kiến năm nay, sản lượng giày dép da đạt khoảng 279 triệu đôi, trong đó quý III 72 triệu đôi, quý IV 80 triệu đôi.
Nửa đầu năm nay, sản lượng giày, dép da ước đạt 127,4 triệu đôi, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XK giày, dép các loại đạt 7,79 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Sức ép từ chi phí nhân công
Theo nhận định mới đây của Bộ Công Thương, ngành da giày trong nước có cơ hội được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc (đang có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao).
Ở Trung Quốc, do chi phí sản xuất có xu hướng tăng, các DN da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng chuyển dịch đầu tư và Việt Nam là một lựa chọn. Đây là một trong những yếu tố để ngành da giày Việt được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 8-15% trong giai đoạn 2018 – 2020 và có thể đạt trên 19,1 tỷ USD.
Điều này còn dựa trên những lợi thế thông qua việc Việt Nam ký kết một số hiệp định thương mại như Hiệp định với châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy XK đối với các thị trường EU và các nước tham gia CPTPP.
Tuy nhiên, có vấn đề đáng quan tâm, như lưu ý của Bộ Công Thương, là “ngành này lại phải đối mặt với với một số khó khăn như: Chi phí nhân công ngày càng tăng. Nhất là năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực…”.
Việc tăng lương tối thiểu được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) da giày cả nước với khoảng 1.700 DN, trong đó 70% là DN nhỏ và vừa, sử dụng 1,2 triệu lao động sản xuất trực tiếp.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia ngành da giày cho rằng việc tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng hàng năm, các DN da giày quy mô lớn bị giảm lợi nhuận sẽ giảm đầu tư mở rộng sản xuất. Còn các DN nhỏ và vừa, hộ sản xuất làng nghề gặp rất nhiều khó khăn sẽ phải hạn chế hoặc ngừng sản xuất.
Mức tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra chi phí sản xuất tăng đột biến đối với nhiều DN da giày. Bên cạnh đó, mức độ bảo vệ việc làm của Việt Nam có xu hướng ngày càng chặt hơn, trong khi với kỹ năng hạn chế, lao động Việt trong ngành này chủ yếu làm các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp.
Giảm khả năng cạnh tranh
Giới chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện thời điểm khi chi phí lao động cao đến mức DN da giày không còn thu được lợi nhuận như kỳ vọng khi đầu tư vào lĩnh vực vốn sử dụng nhiều lao động như da giày. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của DN da giày trong dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Mai, chủ một DN gia công da giày ở Bình Dương, bày tỏ rằng nếu gắn tốc độ tăng lương tối thiểu với tốc độ tăng năng suất lao động và cho phép tự do thương lượng ở từng DN trên cơ sở tốc độ tăng năng suất lao động sẽ giúp đảm bảo mức lợi nhuận như kỳ vọng của nhà đầu tư, giảm tốc độ tăng chi phí sản xuất và giúp DN duy trì sức cạnh tranh.
“Khi đó, thị trường lao động trong ngành da giày sẽ tự điều chỉnh trong môi trường tự do cạnh tranh và người chủ sử dụng lao động sẽ trả mức lương tương xứng với đóng góp của người lao động”, bà Mai nói.
Ngoài các vấn đề trên, một thách thức khác là đang có một số nước cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút DN FDI vào các ngành chế tạo dùng nhiều nhân công, nhất là da giày hay dệt may. Các nước này lại được ưu đãi thuế quan ở các thị trường lớn như Mỹ và EU. Bangladesh, Campuchia, Pakistan là những ví dụ điển hình.
Theo phân tích của công ty CP nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (Virac), hiện nay, sản xuất của ngành da giày vẫn chủ yếu theo hình thức gia công XK, với nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào theo chỉ định của khách hàng nhập khẩu.
Do đó, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ nước ngoài, nhất là hàng năm Việt Nam tiêu tốn hàng tỷ USD để nhập khẩu.
Điều đáng nói, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày ở mức 50%, chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu XK của các hiệp định thương mại (hầu hết là 55%) đã ký kết và đang trong quá trình đàm phán. Thậm chí, đối với sản phẩm giày dép da, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn do phụ thuộc vào nguồn da thuộc nhập khẩu.
Trong vấn đề của ngành da giày từ nay đến cuối năm 2018, Bộ Công Thương cho rằng cần tập trung tháo gỡ những khó khăn nội tại, giữ vững thị trường XK, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước.
Hơn nữa, cần tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt tại Mỹ và các thị trường thuộc EU.