Cuộc đua khốc liệt
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, TP.HCM có 24.303 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có 1.726 doanh nghiệp bất động sản. Trong số các doanh nghiệp bất động sản mới thành lập, chiếm trên 90% là doanh nghiệp kinh doanh môi giới.
Trước đó, năm 2017 được cho là năm có số doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới cao kỷ lục, với hơn 5.065 doanh nghiệp được thành lập trên cả nước, tăng 62% số lượng doanh nghiệp so với năm 2016.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến năm 2017, riêng ở TP.HCM, có gần 7.000 doanh nghiệp môi giới bất động sản hoạt động. Điều này cho thấy, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp môi giới và lực lượng này đang tạo ra cuộc đua giành sản phẩm khốc liệt.
Đơn cử như mới đây, Tập đoàn Hà Đô thông báo sắp ra hàng dự án chung cư tại quận 8, ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp môi giới nộp hồ sơ xin được làm đơn vị phân phối sỉ (F1). Tuy nhiên, phía Hà Đô cho biết, không phải doanh nghiệp môi giới cứ xin là được, mà đơn vị này sẽ xét năng lực bán hàng, năng lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín của công ty môi giới có phù hợp bán sản phẩm của doanh nghiệp mình không, rồi mới lựa chọn.
Tuy nhiên, cuộc chiến chia phần này không hề đơn giản, bởi phía chủ đầu tư sẽ bắt doanh nghiệp môi giới ký quỹ để có được sản phẩm. Cụ thể, mỗi sản phẩm, doanh nghiệp F1 phải đóng 20 – 50 triệu đồng cho chủ đầu tư và bán trong thời gian từ 1 – 2 tháng, nếu lượng hàng ký quỹ không bán hết, thì doanh nghiệp môi giới sẽ mất cọc ký quỹ cho chủ đầu tư.
Trong khi các doanh nghiệp môi giới lớn cạnh tranh nhau quyết liệt để trở thành đơn vị F1, thì tại những doanh nghiệp môi giới nhỏ cũng diễn ra cuộc đua gay cấn không kém để trở thành đơn vị bán hàng theo diện F2 và F3.
Ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Cát Tường Group cho biết, doanh nghiệp môi giới thường gặp nhiều bất lợi, đặc biệt ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, mới thành lập.
Trong khi các doanh nghiệp môi giới lớn như Danh Khôi, Khải Hoàn Land… luôn chủ động được nguồn hàng bán, bởi kinh nghiệm, mối quan hệ, lượng sales (nhân viên bán hàng) nhiều, tài chính mạnh ,có thể mua đứt sản phẩm của một dự án, thì các doanh nghiệp môi giới mới thành lập không làm được điều đó, nên đành chấp nhận chọn phân khúc nhỏ như đất nền, chung cư ít sản phẩm để bán.
“Muốn làm lớn phải có vốn mạnh, mối quan hệ tốt, lượng sales nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp môi giới hiện nay không có được điều đó. Đặc biệt, nếu trong thời gian dài không có hàng bán, sales sẽ bỏ doanh nghiệp môi giới đi nơi khác làm, khiến khó khăn sẽ tăng cao hơn”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, hiện đã xuất hiện mô hình cách doanh nghiệp môi giới cùng bắt tay liên minh với nhau để có vốn, có nhân lực, rồi cử một doanh nghiệp ra lấy hàng F1 của chủ đầu tư, sau đó chia ra cho các doanh nghiệp môi giới khác cùng bán.
Muốn thắng phải có chiến lược
Dù thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng vẫn có những doanh nghiệp môi giới thành công và không ngừng lớn mạnh. Theo giới phân tích, để có được sự thành công trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, ngoài vốn và nhân lực, doanh nghiệp môi giới cần phải có chiến lược bài bản và dài hơi.
Chẳng hạn, mới đây, Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding đã chính thức được chọn là doanh nghiệp phân phối độc quyền Dự án FLC Crown Villa tại Quy Nhơn, Bình Định. Đây là doanh nghiệp mới được thành lập năm 2016 với hoạt động lúc đầu đơn thuần chỉ là một doanh nghiệp dịch vụ bán bất động sản, chỉ bán sản phẩm F2, F3.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Hoding cho biết, để giúp doanh nghiệp có chỗ đứng và dần lớn mạnh trên thị trường, ông dùng chiến lực “Khác biệt để trường tồn”. Theo đó, Asian Hoding bắt tay cùng các doanh nghiệp trong ngành môi giới liên kết lại cùng góp vốn để Asian Hoding lấy hàng về chia nhau bán.
Tiếp đó, Công ty hướng đến việc gọi vốn từ phía các doanh nghiệp ngoại để có được nguồn tài chính mạnh, trở thành nhà phân phối F1. Đặc biệt, câu chuyện tạo mối quan hệ là chính sách được Asian Hoding coi trọng trong chiến lược phát triển của mình.
“Nửa đầu năm 2018 đánh dấu sự thành công rực rỡ của Asian Holding qua các dự án tham gia bán hàng như New City Thủ Thiêm, Charmington Iris quận 4 (TP.HCM)… Tại các dự án này, Asian Holding luôn là đơn vị phân phối xuất sắc.
Đặc biệt, phải kể đến Dự án FLC Lux City Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chỉ trong 1 tháng tham gia, Asian Holding đã bán hơn 100 căn và nhận được giải thưởng đại lý xuất sắc trong toàn hệ thống. Trong khi đó, với Dự án FLC Crown Villa, là dự án mà Asian Holding độc quyền phân phối, cũng thu hút hàng nghìn nhà đầu tư với doanh thu vượt trội. Hơn 80% giỏ hàng đang được bán chỉ trong vòng hơn 1 tháng”, ông Hậu nói.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản Thăng Long cho biết, câu chuyện doanh nghiệp đua nhau thành lập, nhưng không đủ vốn mạnh dẫn tới đào thải là chuyện dễ hiểu và từ giờ tới cuối năm 2018, sẽ còn nhiều doanh nghiệp đăng ký phá sản hơn nữa.
Theo ông Dũng, đây được cho là cuộc thanh lọc tích cực cho thị trường, bởi đối với bất động sản, không có chỗ cho những doanh nghiệp vốn ít và làm ăn không minh bạch.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, với những doanh nghiệp môi giới nhỏ sẽ chọn hướng đi ngách, như việc chọn những dự án đất nền tại vùng ven, hay các tỉnh để phát triển. Các doanh nghiệp này sẽ lựa chọn lấy lượng hàng vừa phải để tránh rủi ro.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, câu chuyện doanh nghiệp môi giới cạnh tranh nhau là điều đương nhiên, bởi ở thị trường kinh doanh phải có sự cạnh tranh và đào thải, phần thắng sẽ thuộc về doanh nghiệp nào có chiến lược, tiềm lực và cả tiếng tăm uy tín mà công ty xây dựng được.
“Chủ đầu tư sẽ chọn mặt gửi vàng, chính vì vậy, muốn doanh nghiệp lớn mạnh, có được sản phẩm để bán, doanh nghiệp môi giới phải tự thay đổi mình, xây dựng cho mình chiến lược bài bản, uy tín và tiềm lực”, ông Phúc nói.