Tin tức về việc tự doanh của ba CTCK lớn là Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VNDirect (VND) và Kim Long (KLS) chưa giải ngân đồng nào trong đợt sóng tăng của thị trường vừa qua, mà chỉ tranh thủ bán ra những cổ phiếu thanh khoản kém trước đó để cơ cấu danh mục đầu tư, khiến không ít NĐT bức xúc. Có hay không câu chuyện mâu thuẫn quyền lợi giữa tự doanh của CTCK và khách hàng, một vấn đề mà thị trường đã nhiều lần đề cập trước đây?
Những NĐT theo dõi bản tin hàng ngày của VNDirect và thực hiện theo có thể bắt được nhịp sóng tăng khá mạnh vừa qua của thị trường, bởi công ty này đưa ra những khuyến cáo mua vào cho khách hàng khá sớm, trong khi tư vấn của một số CTCK khác còn phân vân khuyên khách hàng chờ đợi quan sát. Đây là lần thứ hai trong năm nay, VNDirect dự đoán đúng sóng của thị trường để khuyến cáo NĐT tham gia, lần trước là cơn sóng nhỏ diễn ra vào tháng 6.
Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà không ít NĐT bức xúc khi có thông tin tự doanh của VNDirect không mua vào trong đợt này. Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết, việc tự doanh của Công ty không mua vào là do chiến lược của VNDirect đã thay đổi, không ưu tiên cho tự doanh, mà tập trung nguồn vốn phục vụ môi giới, cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng.
“Từ khi có cổ đông lớn là NĐT nước ngoài tham gia đầu tư vào VNDirect, kỷ luật tự doanh của Công ty đã khác. Hơn nữa, nếu Công ty vẫn quá ưu tiên cho tự doanh như trước kia thì mới phát sinh mâu thuẫn với khách hàng và mỗi lần thị trường đi xuống, Công ty phải lập dự phòng, báo lỗ, rất mất uy tín”, bà Hương nói.
Bà Hương nhận định, triển vọng thị trường trong trung hạn đã tốt hơn nhiều. Nhưng chiến lược đầu tư của cá nhân và tổ chức khác nhau. Bộ phận Tư vấn của VNDirect tư vấn cho khách hàng chủ yếu là NĐT cá nhân, dựa trên phân tích kỹ thuật kết hợp với phân tích cơ bản.
Theo bà Hương, chiến lược tập trung cho dịch vụ được VNDirect thực hiện từ các năm trước và cho thấy hiệu quả. Năm 2010, trong cơ cấu doanh thu của VNDirect, doanh thu từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn chiếm tỷ trọng cao nhất với 50% và chiếm tới 59% tổng lợi nhuận, cho thấy tính hiệu quả và linh hoạt của Công ty trong việc khai thác và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ khách hàng. Môi giới chiếm 22% tổng doanh thu, đóng góp 36% tổng lợi nhuận. Trong khi đó, tự doanh chiếm tỷ trọng 27% doanh thu, nhưng đóng góp có 4% lợi nhuận.
Không riêng VNDirect, hầu hết các CTCK lớn đều có xu hướng chuyên nghiệp hoá hoạt động môi giới, dịch vụ và tự doanh của mình. Chứng khoán Sài Gòn đã chuyển danh mục đầu tư cho Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), nhằm tách bạch hoạt động tự doanh và mảng dịch vụ môi giới chứng khoán.
Theo nguồn tin của ĐTCK, SSIAM cũng có hoạt động mua bán trong đợt tăng điểm của thị trường vừa qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, với tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn hiện nay, thì ngay cả một NĐT cá nhân cũng không dám tất tay vào TTCK, chưa nói đến các tổ chức đầu tư có lượng tiền mặt lớn như Chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán Kim Long…
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia phân tích kỹ thuật dành cho NĐT cá nhân “lướt sóng”, chỉ nên mua dưới 10% khối lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu để có thể thoát hàng kịp thời nếu có những sự kiện xấu ảnh hưởng đến xu thế thị trường. Một cổ phiếu có thanh khoản trung bình 100.000 cổ phiếu/phiên thì NĐT chỉ nên mua tối đa 10.000 cổ phiếu. Với nguyên tắc đầu tư này, liệu NĐT lớn có thể “lướt” bao nhiêu cổ phiếu trên sàn?
Một số CTCK lớn chia sẻ, chiến lược đầu tư của công ty thời điểm này vẫn là “lướt lát” dựa trên danh mục cổ phiếu có sẵn để làm giảm giá vốn. Mặt khác, chưa cần đầu tư thêm khi thị trường tăng, với danh mục cổ phiếu đầu tư hiện tại, thì trong tháng 9 này, công ty nhiều khả năng cũng được hoàn nhập dự phòng, hạch toán lãi.
Vậy khi nào là thời điểm để các tổ chức đầu lớn vào cuộc? Hầu hết câu trả lời là khi sức khỏe nền kinh tế và doanh nghiệp đủ tốt để thu hút nguồn vốn mới mua vào cổ phiếu với mục tiêu nắm giữ trung và dài hạn. Còn thị trường với thanh khoản thấp và kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức ở phía trước thì cơ hội “nhường” cho các NĐT cá nhân.