- Nếu dịch kéo dài đến tháng 4, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019.
- Nếu dịch kéo dài đến tháng 6, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách.
Báo cáo tại cuộc họp ngày 27/2, khi đánh giá về các kịch bản có thể xảy ra, Cục Hàng không đưa ra những kịch bản xấu hơn so với ước tính trước đó. Cụ thể, với trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019 và giảm 13 triệu người so với kịch bản được đưa ra trước đó. Theo ước tính mới, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019 (79,1 triệu khách). Trong khi, dự báo trước đó đưa ra con số 74,6 triệu khách.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 1/2020, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 26/2, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan, 92% số chuyến bay đến Hong Kong.
Các chuyến bay đến Nhật Bản vẫn giữ 160 chuyến/tuần, nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng Việt Nam cắt giảm 41% chuyến bay.
Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra công tác chống dịch ở sân bay Nội Bài. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Ngoài ra, theo ông Thắng, việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không giữa hai nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), CTCP Đầu tư phát triển Vân Đồn (VDA) và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
“Với việc dừng khai thác hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của ACV, VDA và VATM đều sụt giảm so với kế hoạch”, ông Thắng khẳng định.
Toàn ngành vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, về hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 1 cũng giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 01/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Về đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019.
Châu Anh