Đứng đầu doanh nghiệp, đích thân vị lãnh đạo trên đi giới thiệu, phân tích, đàm phán với từng nhà đầu tư tiềm năng. Và gần như mọi cái, về giá trị nội tại doanh nghiệp, đều thuyết phục.
“Chúng tôi giới thiệu theo các chuẩn mực kế toán họ yêu cầu, lý giải từng chi tiết chất vấn. Thậm chí thỏa mãn được hàng trăm câu hỏi mà bộ phận chuyên môn tập hợp lại. Họ cũng ấn tượng về chất lượng và triển vọng hàng chào bán. Nhưng, vẫn còn khó”, người trong cuộc trên nói.
Ông cho biết, qua tiếp xúc, các tổ chức đầu tư nước ngoài đều ấn tượng về một địa chỉ cho tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn trên 20% mỗi năm, thậm chí triển vọng 30-50% như năm nay trong xu hướng của ngành.
Việt Nam còn có lợi thế về ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng hàng đầu khu vực, tỷ giá tương đối ổn định trong bối cảnh nhiều quốc gia đã và đang phá giá mạnh nội tệ…
“Dù đánh giá cao cơ hội, giá trị và tiềm năng, nhưng nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng cân nhắc hơn. Cũng có trở ngại về kỹ thuật, ví dụ như cơ chế quy định phải ràng buộc nắm giữ một năm sau đầu tư, mà thị trường nhiều biến động. Một đại diện quỹ đầu tư tại Singapore có nói với tôi, những khoản đầu tư mới vào doanh nghiệp Việt Nam của họ trong một năm trở lại đây chưa hề có lãi, thậm chí đang lỗ lớn. Đó là thực tế đáng suy nghĩ”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết.
Nhìn lại, đúng là trong một năm trở lại đây, nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đang phải chứng kiến cú rơi khó đỡ của “giá trị hậu mãi” trên sàn chứng khoán Việt.
Phía sau những kỷ lục thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh hay những thương vụ ấn tượng tại khối doanh nghiệp tư nhân như VPBank, Techcombank… diễn ra trong vòng một năm trở lại đây, giá trị đầu tư của khối ngoại liên tục lao dốc cho đến nay.
Chứng khoán khác với nhiều hàng hóa khác, nó mua đứt bán đoạn và không có “giá trị hậu mãi” từ người bán, bán là xong. Nhưng như vị lãnh đạo doanh nghiệp trên dẫn ra, thực tế không có lãi mà thậm chí đang lỗ lớn tại những trường hợp điển hình này khiến nhà đầu tư nước ngoài càng thận trọng.
VnEconomy cũng hỏi chuyện người đứng đầu của một đầu mối triển khai công tác thoái vốn Nhà nước về thực tế trên, câu trả lời: đó là thị trường, các chủ thể tham gia phải chấp nhận những diễn biến, kết quả của nó.
Người trong cuộc này cũng lập luận lại rằng, như trước đây bán cổ phần Vinamilk cho nhà đầu tư nước ngoài, sau đó giá cổ phiếu này tăng mạnh lên thì sao. Hoặc như, sau khi bán xong, giá cổ phiếu tại doanh nghiệp thoái vốn tăng cao, lợi ích và tài sản Nhà nước nếu “đánh giá lại” thì có thiệt hay không…
“Chúng tôi vẫn phải họp bàn suốt. Nếu thị trường chứng khoán xuống quá nhiều, thì chúng ta có mang nhiều tài sản Nhà nước ra bán không? Vì kiểu gì cũng phải bán theo giá thị trường mà. Nếu thị trường giảm sâu vậy thì phải tính toán tài sản, thời điểm, làm sao để không thiệt hại, đảm bảo lợi ích Nhà nước. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài không rót vốn vào nhiều như trước nữa thì sao?”, người đứng đầu đầu mối thoái vốn nói trên lập luận.
Diễn biến vừa qua đang cho thấy nhà đầu tư nước ngoài không rót vốn vào nhiều như năm 2017 và đầu 2018 nữa. Trên sàn niêm yết, khối này liên tục bán ròng quy mô lớn, ngay cả sau khi chỉ số VN-Index đã giảm một mạch từ đỉnh trên 1.200 điểm xuống dưới 900 điểm chỉ trong ba tháng.
Cú rơi đó dẫn đến thực tế như câu chuyện trên, quỹ đầu tư ở Singapore đã một năm qua không có khoản đầu tư mới nào mà có lãi tại Việt Nam. Kết quả đó khiến họ thận trọng.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp vừa đi giới thiệu bán vốn về cũng có phần tiếc nuỗi: “Nếu như cơ chế, các quy trình, các công đoạn được triển khai tốt và nhanh hơn, doanh nghiệp đã có thể nắm được cơ hội thị trường chứng khoán sôi động cuối 2017 đầu 2018 để thực hiện thành công”.
Cơ chế, hiện hoạt động thoái vốn Nhà nước thực hiện theo Nghị định số 32 Chính phủ ban hành đầu năm, những đến đầu tháng 8 này mới có thông tư hướng dẫn, và hiện chưa có doanh nghiệp nào thực hiện bán vốn được theo cơ chế mới này.
Ở một diễn biến khác, cũng vào đầu tháng 8 này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo, yêu cầu lập đoàn công tác để thúc đẩy tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Mà năm 2018, đến nay chỉ còn lại hơn bốn tháng.