Hồi tháng 5-2011, TTCK đã một phen rúng động khi cựu Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành (HASC) bỏ trốn và để lại khoản thâm hụt gần 100 tỷ đồng cho công ty.
Mới đây, một số NĐT VIP đã tiết lộ cho ĐTTC về tình trạng mất thanh khoản tại chi nhánh TPHCM của CTCK SME (SME). Cách đây 2 tuần, 2 tài khoản số 109xx9 và 109xx0 có tổng số dư tiền mặt 1,3 tỷ đồng và giá trị CP vào khoảng 3,7 tỷ đồng. Khi chủ của 2 tài khoản yêu cầu SME cho rút 300 triệu đồng nhưng không được CTCK đáp ứng vì… không có tiền.
Còn vì sao không có tiền thì lại có rất nhiều lý do khác nhau. CTCK hẹn hôm sau lại rút tiền, nhưng khi các NĐT quay trở lại thì tình hình cũng không có gì cải thiện: nhân viên môi giới không có mặt, liên lạc với các cấp cao hơn như kế toán trưởng, giám đốc chi nhánh cũng không được.
Cuối cùng, các NĐT VIP này phải sử dụng phương án mua vào CP cho hết 1,3 tỷ đồng và chờ đến ngày T+3 khi CP về tài khoản để chuyển sang CTCK khác. Các NĐT này cho biết, một số CP sau khi mua vào đã thiệt hại đáng kể do giảm giá, nhưng dù sao vẫn còn may vì còn rút được tiền về.
Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc, nếu CTCK không có tiền để NĐT rút thì tại sao CTCK lại có tiền để thanh toán khi NĐT mua CP? Có rất nhiều lý do: Thứ nhất, CTCK có tiền xoay vòng, có NĐT mua, cũng sẽ có NĐT bán khi thanh toán bù trừ, lấy tổng bán trừ đi tổng mua, nếu thiếu mới bù thêm tiền.
Bên cạnh đó, khi NĐT mua CP sau 2 ngày CTCK mới phải thanh toán nên trong thời gian này CTCK có thể chạy vạy khắp nơi để vay mượn, thậm chí vay nóng bên ngoài. Đó cũng chính là nguyên nhân NĐT chỉ rút có vài trăm triệu vào buổi sáng, nhưng CTCK phải hẹn đến buổi chiều đến lấy để tìm ngân hàng cho vay.
Việc khách hàng không thể rút tiền đặt ra giả thiết về việc CTCK đã lạm dụng tiền của NĐT. Cụ thể là tự doanh thua lỗ, thậm chí lãnh đạo CTCK cũng có thể trục lợi bằng cách rút tiền ra bên ngoài. Một trong những cách “kinh điển” nhất là sử dụng một tài khoản nào đó, sau đó làm hợp đồng ghi khống tài khoản này bán ra một lượng CP nhất định, rồi đề nghị ngân hàng cho vay để ứng trước tiền bán.
Vì NĐT khi không giao dịch thường xuyên tại CTCK, cũng không đóng tài khoản, nên những tài khoản này có nguy cơ trở thành mục tiêu để CTCK thực hiện việc bán ảo, vay tiền ứng trước.
Trở lại câu chuyện SME, đến cuối năm 2010, các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác của công ty có giá trị hơn 310 tỷ đồng, nhưng trong thuyết minh lại không ghi cụ thể. Sang cuối quý II-2011, khoản mục này lại tăng thêm 300 tỷ đồng thành 610 tỷ đồng và cũng không thấy nói rõ.
Điều đáng nói là khoản phải trả, phải nộp khác của SME đều lớn hơn đáng kể so với vốn điều lệ của SME là 225 tỷ đồng. Cũng trong BCTC quý II-2011 của SME, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền đạt hơn 100 tỷ đồng.
Khó khăn nhưng từ cuối tháng 8 đến nay giá CP của SME lại liên tục tăng mạnh, từ khoảng 3.300 đồng/CP đã tăng lên 4.700 đồng/CP, đồng thời KLGD cũng tăng lên. Liệu những NĐT giao dịch CP này có biết mình đang phải ôm “bom nổ chậm”, hay SME đã tìm ra những giải pháp cho riêng mình?