Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo các đơn vị chức năng, nhất là các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký tập trung giám sát và thu thập chứng cứ liên quan đến dấu hiệu bán khống, để kịp thời báo cáo UBCK xử lý mang tính chất “án điểm” nhằm tăng tính răn đe.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, hiệu quả đấu tranh với hành vi bán khống phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) và NĐT.
“Không có chuyện biết mà cho qua”
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK, gần đây một số thông tin trên thị trường cho rằng, UBCK nắm được các biểu hiện bán khống, nhưng không quyết liệt xử lý. Điều này là không có cơ sở, bởi không chỉ những CTCK, NĐT làm ăn chân chính, mà bản thân cơ quan quản lý cũng rất bức xúc trước hiện tượng bán khống. Do vậy, trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các CTCK, một nhiệm vụ trọng tâm luôn được lãnh đạo UBCK đặt ra cho các đơn vị chức năng là tập trung tối đa nguồn lực về nhân sự, công nghệ để giám sát có hiệu quả biểu hiện nghi vấn về bán khống, vì hoạt động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển minh bạch, công bằng của TTCK.
Trả lời bức xúc của NĐT về tình trạng nhân viên môi giới một số CTCK công khai “gạ” NĐT cho mượn cổ phiếu để giao dịch, một dấu hiệu của hoạt động bán khống, UBCK có biết và nếu biết tại sao không xử lý? Ông Sơn khẳng định, để xử phạt các trường hợp vi phạm về bán khống, cơ quan quản lý cần có thời gian để thu thập chứng cứ, chứ không thể đưa ra quyết định xử lý dựa vào một vài dấu hiệu ban đầu. Các CTCK có dấu hiệu bán khống đã vào “tầm ngắm” của UBCK, các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký. Trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các CTCK, cơ quan quản lý luôn chú trọng củng cố thêm các chứng cứ và sẽ có hình thức xử lý mạnh tay khi các dấu hiệu bán khống được làm rõ.
Quan điểm xử lý hoạt động bán khống của UBCK, theo ông Sơn là sẽ vận dụng tối đa các chế tài để xử lý “kịch khung”, nhằm tạo tính răn đe cho thị trường. Ngoài phạt tiền, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan quản lý có thể cân nhắc cấm hoặc hạn chế CTCK vi phạm triển khai một số nghiệp vụ trong một thời gian nhất định. Cùng với các hoạt động xử phạt, cơ quan quản lý còn chú trọng triển khai các biện pháp phòng ngừa. Trong quá trình nâng cấp hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán bù trừ, UBCK luôn ưu tiên trang bị các tính năng kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các giao dịch nghi vấn, để kịp thời có hình thức xử lý hiệu quả.
Cần sự hợp tác ba bên
Hoạt động đấu tranh với vấn nạn bán khống, theo UBCK, sẽ khó có hiệu quả nếu chỉ có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ của VASB và NĐT. Với vai trò của mình, điều quan trọng là NĐT cần thống nhất nhận thức rằng, bán khống hoặc tiếp tay cho bán khống là hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, việc cho mượn cổ phiếu bằng giấy viết tay dễ khiến họ đối mặt với nguy cơ trắng tay nếu thị trường bất ngờ đảo chiều tăng điểm mạnh. Khi xảy ra tranh chấp, cơ quan quản lý cũng như toà án không có cơ sở để bảo vệ NĐT, do họ tiếp tay cho hoạt động bán khống, một hành vi không được pháp luật cho phép… Về phần mình, VASB cần tích cực, chủ động vận động hội viên có các hình thức tẩy chay bán khống, vì lợi ích thiết thực của chính các CTCK làm ăn chân chính, cũng như cả thị trường.
“Thực tế, dấu hiệu bán khống liên quan đến một số CTCK, nghĩa là lợi ích của số ít CTCK đang xung đột với lợi ích của phần đông CTCK và cả thị trường. Điều này cần được VASB chuyển tải thường xuyên đến các hội viên làm ăn chân chính, để họ có hình thức phối hợp với UBCK kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi bán khống”, ông Sơn đề nghị.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB cho biết, quan điểm của VASB là luôn phản đối hành vi bán khống diễn ra dưới mọi hình thức, vì một mặt vi phạm pháp luật, không phù hợp với quy tắc đạo đức nghề nghiệp kinh doanh trên TTCK, mặt khác gây tác động tiêu cực đến cả thị trường. Cùng với ủng hộ quyết tâm đấu tranh với biểu hiện bán khống của UBCK, trong khả năng của mình VASB cam kết sẽ nỗ lực phối hợp với cơ quan liên quan để ngăn ngừa và xử lý hiệu quả hành vi bán khống.