CPTPP: Thay đổi để tiếp cận các thị trường mới
11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định CPTPP. Theo cam kết, 100% dòng thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng trong nội khối sẽ về 0% trong vòng 7 năm. Cơ hội sẽ mở ra với khối doanh nghiệp nào trên sàn niêm yết là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị CTCP Dệt may Thành Công (TCM) cho biết, việc Mỹ rút khỏi hiệp định từng khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước hụt hẫng, vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, CPTPP có thể sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới nhiều tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam như Mexico, Canada hay Australia. Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2019 và từ nay tới đó là quãng thời gian các doanh nghiệp dệt may trong nước chuẩn bị các khâu từ sản xuất đến tiếp cận thị trường, sẵn sàng cho việc tiếp nhận các cơ hội từ CPTPP.
Thế mạnh của TCM, theo ông Tùng, là đơn vị sở hữu hệ thống sản xuất khép kín từ sợi đến hàng may mặc, nên sẽ được hưởng đầy đủ những ưu đãi từ chính sách thuế quan nội khối CPTPP.
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, riêng ba nước Canada, Australia và Mexico có tổng dung lượng thị trường hàng may mặc tới 22 tỷ USD (tương đối lớn khi so với kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam khoảng 30 tỷ USD trong năm 2017).
TCM có thế mạnh nhà xưởng, quỹ đất rộng nên hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý góp vốn với TCM để đầu tư mở rộng hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú (có thể theo hình thức phát hành riêng lẻ). Tuy nhiên, điều này đang gặp trở ngại do TCM chưa thể nới room lên 70% bởi những vướng mắc liên quan đến việc đầu tư vào dự án bất động sản TC Tower.
Nhận định về cơ hội từ CPTPP, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xuất nhập khẩu Sài Gòn (GMC) cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nên việc không có Mỹ trong hiệp định thương mại tự do này khiến kỳ vọng của các doanh nghiệp trong ngành vào cơ hội tăng trưởng đột phá giá trị xuất khẩu chưa được trọn vẹn.
Quy mô xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam sang các quốc gia CPTPP hiện chiếm 13% tổng giá trị sản phẩm dệt may được xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với mức gần 38% của riêng thị trường Mỹ. Trong khi đó, với 10 thị trường trong khối, Việt Nam đều đã có hiệp định thương mại song phương, nên CPTPP ít có tác động trong thực tế.
Mặt khác, theo ông Hùng, doanh nghiệp dệt may nếu muốn hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% theo hiệp định này, cần phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Nghĩa là sản phẩm phải có xuất xứ từ khâu sợi được sản xuất tại một quốc gia nội khối.
Trong khi đó, việc đầu tư từ khâu sợi yêu cầu nguồn lực vốn rất lớn và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp trong nước về vấn đề vốn sẽ có cơ hội hưởng lợi từ hiệp định nhiều hơn.
Làm thế nào để các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể tận dụng được cơ hội từ CPTPP là điều mà các bộ, ngành liên quan cần quan tâm nhiều hơn, thông qua việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong nước phát triển, để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các thị trường mới.
“Nếu không nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng vùng nguyên phụ liệu đầu vào cho doanh nghiệp trong ngành thì chỉ các doanh nghiệp FDI hưởng lợi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Với thủy sản, ngành đang đóng góp tỷ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cần thêm thời gian để chúng ta đánh giá về tác động của hiệp định CPTPP đối với các doanh nghiệp thủy sản.
Hiện các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng thủy sản từ Việt Nam, trong đó có những thị trường lớn như Nhật Bản, Canada. Riêng Mexico đã trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam từ năm 2017, với kim ngạch nhập khẩu gần 15 triệu USD, tăng 66% so với năm 2016.
Theo ông Hòe, thuế suất thuế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này lâu nay vẫn ở mức tương đối thấp nên thuế quan không phải là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp trong ng. Lợi ích lớn nhất từ hiệp định CPTPP đối với các doanh nghiệp thủy sản có chăng nằm ở việc tạo sự công bằng về các tiêu chuẩn và những vấn đề liên quan như môi trường, chất lượng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao tiêu chí về chất lượng sản phẩm để vươn ra sân chơi mới.
Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam với khoảng 20% thị phần và một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu rất lớn vào thị trường nay như Vĩnh Hoàn (VHC), Thực phẩm Sao Ta (FMC)… Chính vì vậy, thị trường Mỹ vẫn là ưu tiên số 1 vào của các doanh nghiệp này, nhưng họ cũng không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới.
Cổ phiếu: Dè dặt chờ chuyển biến từ doanh nghiệp
Khác với thời điểm TPP được các nước thành viên thông qua, một số cổ phiếu của nhóm ngành dệt may như TCM, GMC gần như đứng nguyên sau thông tin CPTPP được thông qua vào 8/3, thậm chí trong phiên giao dịch đầu tuần này còn giảm nhẹ. Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình nhận định, hiệu ứng của hiệp định mới với thị trường chứng khoán trong nước còn chưa rõ ràng.
Theo ông Bình, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 40 tỷ USD, bằng 1/5 GDP. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ là thủy sản, dệt may, giày dép… nên việc đánh giá tác động từ việc ưu đãi thuế quan cũng dễ dàng hơn. Còn với các thành viên khác trong CPTPP hiện nay, Canada và Australia được kỳ vọng lớn nhất nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nắm bắt và xúc tiến tốt việc biến cơ hội thành giá trị.
Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc nhìn nhận cơ hội đầu tư vào cổ phiếu theo CPTPP, ông Bình chia sẻ, cần có thêm thời gian để đánh giá về tác động của hiệp định này đến các doanh nghiệp trong nước trước khi có những quyết định về đầu tư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho biết, một số ngành được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều khi hiệp định CPTPP được ký kết là thủy sản, gỗ, dệt may, da giầy. Tuy nhiên, có thể thấy hiện tại chưa có nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các nhóm ngành này niêm yết trên sàn, nên nhà đầu tư chưa có nhiều sự chọn lựa.
Ông Khanh cũng lưu ý, dệt may là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất so với các ngành khác, nhưng nhà đầu tư dường như có tâm lý chờ đợi CPTPP “đi” vào thực tế ít nhất 1, 2 năm và có thể sẽ còn nhiều sự thay đổi với hiệp định này trong thời gian tới.
“Nhà đầu tư có thể dựa trên việc các doanh nghiệp có được những thuận lợi về thuế xuất nhập khẩu và sự tương tác giữa các doanh nghiệp trong ngành trong năm nay để ra chiến lược đầu tư. Thông tin thông qua CPTPP phù hợp cho việc lướt sóng ngắn hạn và đó nên được coi là điều kiện thứ yếu khi xem xét cơ hội lúc này.
Nhìn chung, các ngành như dệt may sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong nhóm hưởng lợi từ hiệp định này và nhà đầu tư có thể xem xét ở các doanh nghiệp đầu ngành để có chiến lược mua tích lũy”, ông Khanh khuyến nghị.