Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù CPI tháng 7 giảm nhẹ, song sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc đang diễn ra…
Vẫn còn nhiều áp lực
Theo các chuyên gia kinh tế, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 8 do yếu tố vụ mùa như nhu cầu các mặt hàng giáo dục dự báo sẽ tăng mạnh do học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.
Ngoài ra, từ giữa tháng 7 đến nay, thời tiết liên tục mưa lũ khiến cho giá cả một số mặt hàng lương thực ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An… tăng cao.
Tại Hà Nội, hàng loạt vựa rau lớn cung ứng cho thành phố như Nghĩa Hương, Cộng Hòa (Quốc Oai), Vân Nội (Đông Anh), Nam Phương Tiến (Chương Mỹ)… hiện vẫn đang bị ngập úng nặng, nên xảy ra tình trạng khan hiếm rau củ khiến giá cả tăng mạnh 30-50% so với hai tuần trước.
Khảo sát tại một số chợ đầu mối như Phùng Khoang, Văn Quán, Long Biên…, rau muống được bán với giá 8.000 đồng/mớ, tăng 4.000 đồng so với trước; rau mồng tơi, rau dền tăng từ 4.000 đồng lên 7.000 đồng/mớ; rau mùi từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng/kg; rau cải xanh tăng từ 18.000 đồng lên 25.000 đồng/kg… Một số mặt hàng củ chính vụ như bí đỏ, bí xanh, cà rốt… cũng tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm được các chuyên gia dự báo sẽ còn tăng mạnh trong tháng 8.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng vẫn có những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế…)
Giá thuốc chữa bệnh phấn đấu tiếp tục giảm theo kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm từ ngày 15/7/2018 dự kiến tác động làm giảm CPI khoảng 0,35%. Hay giá cước kết nối thoại giữa các mạng di động giảm 20% cũng sẽ góp phần làm lạm phát cơ bản ở mức thấp.
Không chủ quan trong điều hành
Từ những phân tích trên, một số ý kiến dự báo CPI trong tháng 8 sẽ tiếp tục ổn định, hoặc tăng nhẹ so với tháng 7.
Theo các chuyên gia, sức ép lên lạm phát từ nay đến cuối năm còn rất lớn, đặc biệt là tác động từ bên ngoài do những yếu tố căng thẳng về chính trị, thương mại và tài chính trên thế giới.
Cục Quản lý giá nhận định, tình hình lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2018 dự báo sẽ chịu tác động từ cả yếu tố bên ngoài và những diễn biến trong nước lên mặt bằng giá.
Diễn biến bất thường nhất là giá xăng dầu, bởi đây là mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường. Khi giá xăng dầu tăng sẽ khó kiểm soát lạm phát.
Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đồng tình quan điểm rằng có hai ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn.
Ông Long dự báo, trong trường hợp giá xăng dầu và giá thịt lợn đứng ở mức cao như hiện nay, lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 3,4-3,5%. Trường hợp cả xăng dầu và thịt lợn cùng tăng giá sẽ kéo theo lạm phát cả năm lên mức 3,8-3,9%.
Dù vậy, mức tăng này vẫn nằm trong mục tiêu lạm phát cả năm của Chính phủ là dưới 4%.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 10/7/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, cho biết từ nay đến cuối năm 2018, mặc dù công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục chịu nhiều áp lực do giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục có khả năng tăng cao gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu nhưng Chính phủ vẫn đặt một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018, nhằm đạt được mục tiêu CPI bình quân dưới mức 4% như Quốc hội đã giao, Phó Thủ tướng chỉ đạo, đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, cần rà soát, đánh giá kỹ về cung cầu thị trường; tăng cường công tác dự báo để kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp.
Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ phối hợp điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá linh hoạt với liều lượng thích hợp.
“Trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, cần rà soát, đánh giá kỹ về cung cầu thị trường, tăng cường công tác dự báo để kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp.