AGF “phú quý giật lùi”
Trong 3 phiên giao dịch gần nhất từ 22 đến 24-8, AGF (Agifish) đều có KLGD bằng 0 tại mức giá 4.200 đồng/CP. Những phiên trước đó dù có giao dịch nhưng khối lượng khớp lệnh của AGF cũng rất ít. Chẳng hạn các phiên 13-8 và 16-8 AGF đều tăng trần nhưng KLGD chỉ ở mức cực tiểu 10 CP. Từ ngày 7-3-2018, AGF bị HOSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do vi phạm các quy định về CBTT. Tình cảnh của AGF bây giờ có thể khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Trước tiên, Agifish là thương hiệu thủy sản khá quen mặt với công chúng, các sản phẩm của Agifish tại các quầy đông lạnh ở siêu thị cũng một thời chiếm được cảm tình người tiêu dùng.
Tiền thân của AGF trước đây là nhà máy đông lạnh của Công ty thủy sản An Giang, được khởi công xây dựng vào năm 1985 và đi vào hoạt động năm 1987, nghĩa là công ty có tuổi đời cũng hơn 30 năm. Còn xét về tuổi ở trên sàn, AGF cũng thuộc hàng kỳ cựu. Ngày 5-2-2002, 6,4 triệu CP AGF có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE với mức giá 30.000 đồng/CP. Sau 16 năm trên sàn, khối lượng CP lưu hành của AGF tăng lên 28,1 triệu CP, gần gấp 5 lần, tuy nhiên giá CP lại giảm mạnh.
“Phú quý giật lùi”, vốn hóa của công ty hiện chỉ đạt khoảng 118 tỷ đồng, ít hơn vốn hóa thời mới lên sàn (192 tỷ đồng). Nguồn cơn của sự sa sút liên quan đến AGF do hoạt động kinh doanh thua lỗ. Theo niên độ báo cáo tài chính của AGF (chọn ngày 1-10 là ngày bắt đầu niên độ mới), quý I (1-1 đến 31-12-2017) công ty lỗ hơn 96 tỷ đồng, đến quý II tiếp tục lỗ dù khoản lỗ có giảm xuống còn gần 72 tỷ đồng.
ASP ngược chiều với tăng trưởng lợi nhuận
Nếu sự đi xuống củ AGF tạo ra những sự nuối tiếc nhất định, ASP (Anpha Petrol) lại khiến nhiều người ngạc nhiên. Tính đến cuối tuần rồi, theo một số thống kê P/E của ASP đang vào tầm 5,66 lần, một mức khá hấp dẫn. Trong 4 quý gần nhất ASP đều có lãi nhưng giá CP này cuối tuần qua đóng cửa tại mức 6.760 đồng/CP. Còn nhớ vào giai đoạn 2009, khi TTCK bắt đầu phục hồi sau năm 2008 sụt giảm mạnh, đã xuất hiện sóng dưới mệnh giá đầu tiên.
Lập luận được đưa ra khi đó là nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu không bị âm, giá trị sổ sách ở mức cao… việc CP xuống dưới mệnh giá 1.0 là phi lý, vì thế đã có một số CP hưởng lợi nhờ sóng này. Nhưng sau gần 1 thập niên, những lý lẽ trên ít nhiều mai một bởi sự phân hóa khắc nghiệt của thị trường. Nói một cách đơn giản, nền tảng doanh nghiệp chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để tạo ra sức bật cho CP, hay thậm chí chỉ là bảo chứng cho việc giá CP trên mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Đối với ASP, CP này đã có hơn 10 năm niêm yết tại HOSE. Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn vào ngày 15-2-2008, ASP đóng cửa đạt 43.500 đồng/CP, so với giá CP hiện nay rõ ràng là phú quý giật lùi. Nếu quan sát hoạt động của ASP từ khi niêm yết đến nay sẽ nhận thấy công ty có 2 năm thua lỗ 2011 và 2015 trong khi các năm còn lại đều có lãi.
Nhưng các khoản lãi của ASP cũng không mấy ấn tượng, thậm chí còn sụt giảm. Chẳng hạn năm 2012, ASP lãi hơn 25 tỷ đồng, đến năm 2014 chỉ còn lãi gần 2 tỷ đồng, sang đến năm 2015 thậm chí lỗ hơn 10 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2015 cũng ghi nhận sự phân hóa rất mạnh mẽ về hàng hóa trên sàn do sự khó khăn trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng như các thách thức từ TTCK. Không ít doanh nghiệp từ chỗ còn quen mặt với các NĐT sau giai đoạn này gần như không được nhớ đến, trường hợp của ASP cũng như vậy.
Dường như đó cũng là lý do kể từ năm 2016, ASP đã có lãi trở lại với gần 19 tỷ đồng, sang đến năm 2017 lãi hơn 44 tỷ đồng, nhưng sức bật của CP chưa theo kịp với sự tăng trưởng khá ấn tượng của lợi nhuận. Vì vậy, suy nghĩ chỉ cần lo kinh doanh tốt, rồi tự NĐT sẽ tìm đến xem chừng không phù hợp với một số doanh nghiệp. Vì ngay cả những công ty ở tốp đầu ngành còn đẩy mạnh PR, IR, không có lý gì các công ty ở nhóm mid cap và penny trên sàn có thể làm khác được, còn nếu không làm đương nhiên sẽ bị ngó lơ.
CIG chờ tín hiệu phục hồi
3 tháng gần đây, CIG (Coma 18) là một trong những CP ở nhóm penny có giao dịch sôi động bậc nhất. Nếu như đầu tháng 6, CP này chỉ có giá dưới 2.500 đồng/CP, đến tháng 8 đã có lúc CIG chạm đến 4.500 đồng/CP. Thanh khoản của CP này cũng khá “cao” xét về khối lượng, với hơn 100.000 CP khớp lệnh mỗi phiên. So với ASP hay AGF tên tuổi của Coma 18 không phổ biến bằng nhưng có vẻ như CP này lại đang khá “hot”.
Điều này thực ra cũng không có gì ngạc nhiên, bởi lẽ giá của CIG đang ở mức thấp với 4,25 đồng/CP. Tính ra sở hữu 10.000 CP này chỉ mất gần 43 triệu đồng, và xét về cảm giác 10.000 CP cũng là khá lớn. Vốn ít, nhưng nếu may mắn giữ 10.000 CP, nếu giá tăng khoảng 1.000 đồng/CP lợi nhuận đem lại cũng được hàng chục triệu đồng. Đây cũng là kỳ vọng phổ biến của những ai thử vận may với những CP kiểu như CIG.
Kỳ vọng dành cho CIG có lẽ bắt nguồn từ việc lợi nhuận trong quý II-2018 của công ty này đạt 15,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với quý I-2018 chỉ hơn 800 triệu đồng, và tăng mạnh so với cùng kỳ quý II-2017 (chỉ hơn 750 triệu đồng). Tuy nhiên, CIG hiện vẫn bị duy trì diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2017 vẫn bị âm. Trong 2 năm 2014 và 2015, CIG đã bị lỗ lần lượt gần 62 tỷ đồng và hơn 38 tỷ đồng. Để bù được các khoản lỗ này đòi hỏi công ty phải rất nỗ lực trong thời gian sắp tới, và khi nào những tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn mới có thể nghĩ đến chuyện giá CP phục hồi vững chắc.