Thời gian qua, giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) – doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” năm 2017 do Tạp chí NCĐT phối hợp cùng TVS thực hiện – diễn biến không như mong đợi của giới đầu tư. Điều này khiến Đại hội cổ đông CTD diễn ra vào ngày 1.6 là một trong những sự kiện nóng nhất trên thị trường gần đây.
Tại Đại hội lần này, nhiều cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo CTD về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 hầu như không tăng trưởng. Công ty đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 1.400 tỉ đồng, thấp hơn mức 1.652 tỉ đồng trong năm 2017, trong khi doanh thu kế hoạch năm 2018 là 27.200 tỉ đồng, gần như không đổi so với năm 2017.
Như vậy, sau một thời gian dài duy trì khá tốt đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, Coteccons đã chủ động giảm tốc khi đặt ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2018 có phần khiêm tốn so với năm trước. Nhưng điều này là có lý do.
Giảm tốc
Quãng thời gian tăng trưởng khả quan của CTD cũng trùng với thời kỳ bùng nổ của các công trình xây dựng cao cấp. Từ năm 2014-2016, nguồn cung mới ở phân khúc nhà ở trung đến cao cấp mở bán tại T PHCM tăng mạnh từ 9.300 căn lên khoảng hơn 31.000 căn và sau đó giảm xuống 26.200 căn trong năm 2017. Tuy nhiên, do triển vọng thị trường bất động sản năm 2018 chủ yếu hướng đến phân khúc trung cấp, vốn cho tỉ suất lợi nhuận thấp hơn, nên việc CTD giảm tốc cũng là dễ hiểu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTD, chia sẻ: “Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều. Năm 2017, chúng tôi làm ra lợi nhuận rất tốt. Ngành xây dựng cả thế giới bình quân lợi nhuận 3% doanh thu, CTD đã làm tốt hơn rất nhiều. Năm nay, CTD đưa ra con số thấp hơn, vì chúng tôi muốn để con số hợp lý chứ không phải để đánh bóng. Năm ngoái, một cổ đông lớn đã yêu cầu chúng tôi đặt con số lợi nhuận cao để rồi không đạt được, lần đầu tiên không hoàn thành kế hoạch. Năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch để phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu đề ra”. Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital cũng đồng tình khi nhận định rằng CTD là một trong những công ty xây dựng có lợi nhuận biên tốt nhất thế giới; ở Úc, các công ty xây dựng có lợi nhuận biên 3%.
So với 1.000 doanh nghiệp của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, thành viên Hội đồng Quản trị CTD và là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, đã chỉ ra các điểm khác biệt của CTD. Đó là công ty không vay nợ ngân hàng, nợ khó đòi chỉ 200 tỉ đồng, giá chào thầu luôn cao hơn các đơn vị khác từ 3-5%, nhưng CTD vẫn chiếm được các hợp đồng giá trị lớn và các chủ đầu tư vẫn lựa chọn CTD làm các công trình sau.
Liên quan đến những nghi vấn chuyển lợi ích sang các công ty con và công ty liên kết của Tập đoàn, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương cho biết: “Chúng ta có ban kiểm soát, hội đồng đầu tư. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta không thể nào làm một mình một dự án được. CTD không thể tập trung toàn bộ lực lượng vào một dự án, chúng ta giao cho công ty đối tác vệ tinh. Chưa bao giờ có công ty nào có công ty vệ tinh tốt như vậy, hoạt động theo hệ thống, đầy đủ các giải pháp về tài chính sạch sẽ, chứ không phải lấy tiền túi này bỏ vào túi khác”.
Về mặt điều hành, ông Dương chia sẻ, sắp tới các phó tổng giám đốc sẽ đổi thành các giám đốc điều hành và sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm. Thành viên nào không vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ phải rời chức vụ.
Kế hoạch lớn của CTD
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, mặc dù gặp khó khăn trong vấn đề tăng trưởng, CTD vẫn có thể tiếp tục là nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam. Khả năng xây dựng và sức khỏe tài chính nổi trội của Công ty so với các đối thủ là điều luôn được đánh giá cao.
CTD đang cải thiện sức mạnh nội tại bằng cách cải tiến công nghệ xây dựng thay vì cạnh tranh về giá. Trong năm 2018, tình hình kinh doanh của CTD có thể không thay đổi hoặc suy giảm đôi chút. Điều này cũng nằm trong kỳ vọng của ban lãnh đạo Công ty, khi họ luôn nhận thức được những rủi ro trong thị trường nhà ở, tăng tính cạnh tranh và thay đổi chính sách tiền lương.
VDSC cũng đánh giá cao chiến lược của CTD trong việc tập trung vào năng lực, chiến thắng các giá thầu lớn và phức tạp để duy trì danh tiếng của mình hơn là từ bỏ lợi nhuận để đạt được tăng trưởng doanh thu ngắn hạn.
Trong câu chuyện cải tiến công nghệ, CTD đã thành công trong việc ứng dụng BIM vào trong thiết kế, thi công công trình. BIM hay Building Information Model là hệ thống thông tin công trình sử dụng mô hình 3 chiều làm thay đổi cách làm truyền thống trong công tác thiết kế, thi công và phối hợp giữa các chủ thể trong ngành xây dựng. Ông Dương từng chia sẻ BIM giúp tiết kiệm được từ 10-15% tổng vốn đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, đối mặt với sự suy giảm trong nhu cầu xây dựng các dự án ở phân khúc trung và cao cấp và áp lực cạnh tranh gia tăng, CTD cũng đang mở rộng hoạt động và phát huy năng lực thi công ở các mảng xây dựng khác gồm các dự án công nghiệp, khách sạn và khu nghỉ dưỡng và các tổ hợp giải trí cũng như đầu tư vào một số bất động sản sinh lợi trong dài hạn. Chiến lược này giúp Công ty giảm tác động từ những biến động mang tính chu kỳ của phân khúc xây dựng nhà ở cao cấp, đồng thời củng cố tăng trưởng dài hạn.
Giữa năm 2017, CTD đã rót gần 1.900 tỉ đồng vào công ty con Covestcons. Công ty cho biết đây là kế hoạch dài hạn đã được vạch ra từ năm 2016 và theo tiến độ các dự án mà Công ty đang và sắp triển khai. Mục đích của CTD là mở rộng sang mảng kinh doanh cho tỉ suất lợi nhuận cao hơn, đồng thời giúp ổn định lợi nhuận hơn bằng cách mua lại một số bất động sản đầu tư để kinh doanh hoặc bán lại ở mức giá hợp lý.
Với hoạt động kinh doanh bất động sản, CTD sẽ bỏ tiền đầu tư một phần, chủ đầu tư đứng ra bán và CTD chỉ việc thu hồi tiền vốn và lợi nhuận. Ông Dương từng chia sẻ: “Chiến lược của Công ty khi nhảy vào bất động sản là đầu tư cơ hội. Đó là những dự án mà CTD biết rất rõ, rủi ro thấp”.
Công ty Chứng Khoán TP.HCM (HSC) đánh giá đây là một động lực lớn của CTD trong dài hạn với sự chuyển hướng sang các ngành kinh doanh có giá trị gia tăng lớn hơn. Những tài sản hình thành từ các dự án này có thể được khai thác dưới dạng bất động sản đầu tư hoặc được bán ở mức giá hợp lý. Động lực tiềm năng này sẽ mất vài năm để trở thành hiện thực nhưng có thể là yếu tố làm thay đổi cục diện của CTD trong dài hạn.
Giới phân tích cũng ghi nhận sự hợp tác giữa ban lãnh đạo CTD và các cổ đông lớn. Trong Đại hội cổ đông, một số cổ đông như Dragon Capital hay Thành Công cũng đã đề nghị ban lãnh đạo nâng chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức và những điều này được Hội đồng Quản trị CTD đồng ý. Hay như khi cổ đông khác đề nghị sáp nhập các công ty vệ tinh vào “One Coteccons”, cổ đông lớn cũng tỏ ra đồng ý với yêu cầu phải đảm bảo lợi ích cho các cổ đông và Công ty. HSC đánh giá cổ đông lớn có vẻ đang làm việc trở lại với ban lãnh đạo để cải thiện giá trị chung. Và theo ông Dương, nếu sáp nhập tất cả các công ty thành viên thì tầm nhìn đến năm 2020 CTD sẽ có doanh thu đạt 3 tỉ USD, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 1.000 tỉ đồng.
Trên thế giới, ngành xây dựng thường là ngành được bảo hộ và Việt Nam cũng khó có thể nằm ngoài xu hướng này. Việc Coteccons chuẩn bị hoàn thành Landmark 81, tòa nhà cao thứ 8 thế giới, là minh chứng cho năng lực của Công ty. Giới phân tích cho rằng với uy tín và năng lực vượt trội CTD vẫn duy trì hiệu suất tạo ra doanh thu trên tài sản cao trong nhiều năm tới, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước có chi tiêu hạ tầng trên GDP vào hàng cao nhất châu Á (5,7%), theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á.