Nguyễn Văn Sang tự hào giới thiệu chiếc máy quấn lò xo tự tạo, sáng kiến của anh cùng 2 nhân viên kỹ thuật khác từ năm 2004. Chiếc máy có cấu tạo đơn giản, không khác mấy so với những chiếc máy cùng loại bán trên thị trường, chỉ khác là có gắn đồng hồ đếm số lượng lò xo làm ra. Chỉ một cải tiến nhỏ này không thôi cũng đã giúp Sang tiết kiệm cho công ty hàng tỉ đồng tiền mua máy, đồng thời kiểm soát được chính xác số lượng thành phẩm. Nó cũng mang về cho anh 7 triệu đồng tiền thưởng vào năm 2004. Năm nay 37 tuổi, Sang đã có gần 17 năm gắn bó với Cân Nhơn Hòa, từ khi còn là một anh thợ phay bào cho đến vị trí Tổ trưởng Tổ Lò xo với 15 công nhân như hiện nay.
Phần thưởng Sang nhận được là 1 trong khoảng 20 giải thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Công ty trao tặng mỗi năm. Đó là cách Lý Tracy Trang, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kế hoạch của Cân Nhơn Hòa, minh chứng cho chúng tôi thấy tính đại chúng trong quản lý của một công ty gia đình.
Lý Tracy Trang là con gái của ông Lý Siêng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cân Nhơn Hòa. Về Việt Nam năm 2008 sau 13 năm du học và làm việc ở Mỹ, chị cùng cha và các em gánh vác công việc của Công ty.
Cân Nhơn Hòa hiện có 5 phó tổng giám đốc, trong đó có 2 vị trí do các con ông Lý Siêng nắm giữ. Ngoài chị Trang, em trai chị hiện là Phó Tổng Giám đốc Điều hành. Ba vị trí còn lại là Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật và Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hành chính Quản trị cũng do 3 người bạn thâm giao đã cùng ông Lý Siêng lập nên Cân Nhơn Hòa 28 năm trước nắm giữ. Hiện nay, ngoài tỉ lệ cổ phần hơn 50% của ông Lý Siêng, phần vốn còn lại được chia đều cho anh em nhà họ Lý và các cổ đông sáng lập.
Đích ngắm của các quỹ
Cân Nhơn Hòa hiện độc chiếm thị trường cân Việt Nam với doanh thu tăng trưởng 15-20%/năm, đạt 520 tỉ đồng vào năm 2010. Trong khuôn viên nhà máy rộng gần 6 ha tại quận Thủ Đức (TP.HCM) với 8 xưởng sản xuất, gần 1.800 công nhân đều đặn làm ra hơn 8.000 sản phẩm mỗi ngày, được phân phối đi khắp cả nước và xuất sang 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vòng quay hàng tồn kho chưa tới 5 ngày. “Chúng tôi làm việc hết công suất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, cả nội địa lẫn xuất khẩu”, chị Trang cho biết.
Sản phẩm mạnh, thị trường rộng lớn, tiềm năng tăng trưởng tốt và ban quản trị giàu kinh nghiệm, Cân Nhơn Hòa có mọi điều kiện để trở thành mục tiêu của các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân của nước ngoài. Vì thế, không lạ gì khi những năm gần đây Cân Nhơn Hòa đã nhiều lần được các quỹ đầu tư tiếp cận. Họ kỳ vọng gì khi đầu tư vào Cân Nhơn Hòa?
“Cha tôi từ chối ngay khi nhận được thư của họ, chưa từng tiếp xúc và thảo luận với bất kỳ quỹ nào nên chúng tôi không biết chính xác họ muốn gì. Nhưng nguyên tắc hoạt động của quỹ đầu tư vẫn là vì lợi nhuận. Vì thế, khi xét thấy đã đạt được mức lợi nhuận mong đợi, họ sẽ bán lại cổ phần cho đối tác khác. Lúc đó, số phận của doanh nghiệp sẽ thế nào nếu nhà đầu tư mới kém năng lực, hoặc có ý đồ thâu tóm?”, chị Trang nói.
Ngược lại, doanh nghiệp thường tìm đến quỹ đầu tư với 3 kỳ vọng. Một là được hỗ trợ về vốn; hai là hoạch định chiến lược và năng lực quản trị; sau cùng là mở rộng thị trường và đối tác kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế từ các cuộc hợp tác với quỹ đầu tư cho thấy, kỳ vọng thứ 3 hiếm khi đạt được và nâng cao năng lực quản trị thường là lợi ích quan trọng nhất các doanh nghiệp có được. Ngược lại, họ phải đánh đổi bằng quyền sở hữu và quyền được quyết định hoàn toàn mọi vấn đề liên quan đến doanh nghiệp mình. “Nếu chiến lược kinh doanh hay cách thực hiện chiến lược đó của chúng tôi sai, Cân Nhơn Hòa đã không tồn tại và tăng trưởng ổn định cho đến ngày hôm nay”, chị lý giải cho việc từ chối quỹ đầu tư.
Bảo vệ quyền sở hữu là phản ứng tự nhiên của các ông chủ công ty gia đình, nhưng điều này đôi khi phải đánh đổi bằng khả năng phát triển doanh nghiệp. Kết cục của đa số công ty gia đình thường là 1 trong 2 lựa chọn: Tiếp tục giữ quyền kiểm soát và chấp nhận tăng trưởng cầm chừng, thậm chí dần đánh mất năng lực cạnh tranh và sau cùng là suy thoái; hoặc chấp nhận hy sinh quyền sở hữu, bán cổ phần ra công chúng để tập hợp nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, giúp công ty trường tồn. Tuy nhiên, trên thực tế, dù sức ép đại chúng hóa để tăng năng lực cạnh tranh ngày càng cao, thế giới vẫn tồn tại những công ty gia đình quy mô cực kỳ lớn.
Tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm Mỹ Cargill, công ty tư nhân lớn nhất thế giới hiện nay, có mức doanh thu năm 2009 lên tới 109,84 tỉ USD. Nếu niêm yết, Cargill sẽ được xếp vào top 10 trong danh sách những công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ của Fortune 500. 85% cổ phần của Cargill vẫn thuộc về hậu duệ của dòng họ Cargill và MacMillan, 2 cổ đông sáng lập từ năm 1865.
Trong lúc quyền điều hành Cargill những năm gần đây đã được giao cho các nhà quản lý thuê ngoài thì Koch Industries (Mỹ), công ty tư nhân lớn thứ 2 thế giới với doanh thu năm 2009 khoảng 100 tỉ USD, vẫn do người nhà điều hành. Năm 1940, Fred C. Koch thành lập Koch Industries hoạt động trong ngành khai thác và lọc dầu. Đến nay, sau 71 năm, quyền điều hành vẫn nằm trong tay 2 con trai ông là Charles Koch và David Koch. Mỗi người nắm giữ 42% cổ phần và cả 2 đều có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Công ty gia đình và quy luật “nhị nan”
Hãy trở lại với Cân Nhơn Hòa. Từ khi chính thức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (năm 1998) đến nay, Cân Nhơn Hòa luôn đạt mức tăng trưởng sản lượng và doanh số hằng năm khá ổn định, ở mức 15-20%. Trong 28 năm qua (ra đời năm 1983), sản phẩm của Cân Nhơn Hòa vẫn được phân phối qua 2 đại lý ở TP.HCM và 1 ở Hà Nội. Trong kế hoạch mở rộng thị trường sắp tới, ông Lý Siêng cũng không có ý định tăng số đại lý mà để cho các đại lý này tự phát triển các nhà bán lẻ dưới quyền. Hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất cũng được thực hiện cẩn trọng với 40% vốn vay ngân hàng, 60% vốn từ lợi nhuận giữ lại.
Năm 2010, Cân Nhơn Hòa bán ra thị trường nội địa khoảng 2,1 triệu sản phẩm và chiếm hơn 95% thị phần. Như vậy, sức hấp thụ thị trường Việt Nam hiện vào khoảng hơn 2,2 triệu chiếc cân, chia đều cho hơn 22 triệu hộ dân, nghĩa là cứ 10 hộ thì có 1 hộ đã mua và sử dụng sản phẩm cân. Đối với sản phẩm có độ bền cao và không được sử dụng thường xuyên như cân, con số này cho thấy dư địa thị trường không còn nhiều. Đây chính là bài toán cốt yếu cho chiến lược tăng trưởng của Cân Nhơn Hòa.
Cuối năm 2008, người ta có lẽ đã phần nào đoán ra được đáp án của Cân Nhơn Hòa khi ông chủ Lý Siêng quyết định xây nhà máy ở Trung Quốc. Nhà máy này được đặt tại Khu Công nghiệp Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, rộng hơn 6 ha, tương đương nhà máy chính ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD. Trung tuần tháng 9.2010, nhà máy đã được hoàn thành một phần và đã đi vào hoạt động với gần 100 công nhân chuyên lắp ráp sản phẩm và bán tại Trung Quốc. Đến nay, Cân Nhơn Hòa vẫn là công ty tư nhân duy nhất của Việt Nam có dự án đầu tư ở Trung Quốc. Người được tin tưởng giao phó nhà máy này là một trợ lý tin cậy của ông Lý Siêng.
Tuy nhiên, với 95% thị phần, thị trường nội địa vẫn là xương sống của Cân Nhơn Hòa và ông chủ Lý Siêng có vẻ quyết tâm giữ cho được thị trường này. Bằng chứng là chiến thuật tạo ra nhu cầu để thúc đẩy tăng trưởng mà ông đang sử dụng.
Khoảng giữa năm 2010, tại các quầy hàng siêu thị ở TP.HCM bắt đầu xuất hiện những chiếc cân treo mini đủ màu xanh đỏ tím vàng của Cân Nhơn Hòa. Kích thước chỉ bằng nửa bàn tay, giá bán khoảng 30.000 đồng, chiếc cân treo bỏ túi đầu tiên này đã gây xôn xao thị trường. Các bà nội trợ hồ hởi vì đã có vũ khí đối phó với nạn cân điêu, cân thiếu. Các ông chủ hàng rong làm ăn đàng hoàng cũng lấy lại được cơ hội cạnh tranh lành mạnh nhờ chiếc cân này. Nhưng thu lợi lớn nhất vẫn là Cân Nhơn Hòa khi hàng làm ra không kịp bán. Gần đây nhất, khi tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP.HCM vào giữa tháng 5.2011, theo chị Trang, hơn 3.000 chiếc cân treo Nhơn Hòa đã được bán hết chỉ trong 6 ngày.
Cân Nhơn Hòa cũng bắt đầu tính chuyện làm phình to chiếc bánh thị trường bằng việc mở rộng ra vùng sâu vùng xa mà trước đây đã để cho các đối thủ chiếm lĩnh. “5 năm tới, Nhơn Hòa sẽ phủ sóng từ Nam chí Bắc, đặc biệt là các vùng nông thôn trước đây chúng tôi chưa đặt chân tới”, chị Trang cho biết.
Luôn tạo ra những cú hích là chiến lược các công ty gia đình thường sử dụng để tạo động lực mới, kích thích công ty phát triển, tránh khỏi bẫy tăng trưởng cầm chừng. Với chiến lược vừa mở rộng thị trường, vừa tạo cú hích trên thị trường hiện có bằng sản phẩm mới, ông chủ Lý Siêng của Cân Nhơn Hòa có vẻ như đang đi đúng con đường này.
Trong khi đó, để hóa giải quy luật “nhị nan” của công ty gia đình, tức khó có thể đồng thời giữ được quyền sở hữu và đưa công ty liên tục tăng trưởng, Cargill và Koch Industries đều đi theo con đường đa ngành. Cargill xuất phát từ lĩnh vực nuôi trồng và phân phối nông sản nay đã dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khác như thực phẩm, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, đầu tư nhà máy điện, gas và thậm chí cả quản lý rủi ro tài chính. Koch, từ sản phẩm hóa dầu đã mở rộng sang khoáng sản, chăn nuôi, phân bón, giấy, cáp quang và tài chính. Đây có thể là con đường trong tương lai mà Cân Nhơn Hòa và các công ty gia đình của Việt Nam phải cân nhắc để đưa công ty tăng trưởng bền vững.
Năm nay 61 tuổi, ông Lý Siêng chưa có ý định về hưu. Mỗi ngày ông đều có mặt ở văn phòng, chạy xe máy trong khuôn viên nhà máy thăm các xưởng sản xuất và vẫn là người đưa ra ý tưởng sản phẩm mới, tiêu biểu là chiếc cân treo mini đã nói ở trên. Tuy nhiên, áp lực tìm người kế nhiệm là điều ông Lý Siêng sẽ phải đối mặt trong tương lai gần.
Việc quản lý công ty gia đình có lẽ đã được ông chuẩn bị trước khi các con ông đều được đưa sang Mỹ du học về quản lý và kinh doanh và 4 người đã trở về giúp cha. Hai vị trí quan trọng trong Công ty hiện nay là do các con ông nắm giữ. Phải chăng 1 trong 2 người sẽ kế nhiệm cha mình? “Cha tôi có lẽ cũng đã nhắm một ai đó làm người kế nhiệm, nhưng ông chưa bao giờ nói với chúng tôi về điều này. Đó có thể là người nhà, cũng có thể là người ngoài. Đối với chúng tôi, điều đó không quan trọng, miễn là tốt cho Công ty”, chị Trang nói.
Hiện nay, tất cả các con của ông Lý Siêng đều sống chung với cha mẹ trong ngôi nhà lớn ở quận Bình Thạnh. Sau 13 năm sống và kinh doanh ở một đất nước đề cao tự do cá nhân như Mỹ, chị Trang rất hãnh diện về lối sống này của gia đình mình. “Gia đình nhỏ của tôi sống trong một gia đình lớn. Các con tôi rất vui vì lúc nào cũng có anh chị em họ để chơi và được ông bà ngoại thương yêu. Ba tôi nấu ăn rất ngon và luôn là người nấu bữa sáng và bữa tối cho cả nhà”, chị chia sẻ.