Theo Báo cáo tài chính (BCTC đã kiểm toán) mới nhất, Than Mông Dương đạt lợi nhuận sau thuế quý IV/2017 chỉ hơn 7,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt hơn 21,4 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý IV/2017 đạt hơn 380 tỷ đồng, giảm tới hơn 132 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Ôm nợ khủng
BCTC cho thấy, Công ty CP Than Mông Dương có khoản nợ lên tới hơn 1.084 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 235 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 535 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 549 tỷ đồng.
Theo đó, nợ phải trả đang cao gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu, trong đó có hai khoản lớn nhất trong nhóm nợ ngắn hạn của Than Mông Dương là nợ bạn hàng hơn 181,7 tỷ đồng và vay thuê tài chính gần 279 tỷ đồng.
Hết năm 2017, Than Mông Dương cũng là “con nợ” của ngân hàng lớn lên tới gần 828 tỷ đồng (549,2 tỷ đồng vay và thuê tài chính dài hạn, con số ngắn hạn là 278,9 tỷ đồng). Điển hình là các “chủ nợ” gồm: Ngân hàng thương mại Sài Gòn – Hà Nội (hơn 349 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (hơn 126,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (hơn 65,6 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (xấp xỉ 69,1 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Quảng Ninh (hơn 79 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hơn 55 tỷ đồng.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2017, Than Mông Dương đặt chỉ tiêu doanh thu hơn 1.707 tỷ đồng, lợi nhuận 23,6 tỷ đồng. Song kết quả cho thấy một con số đáng buồn.
Theo đó, hết năm 2017, doanh thu chỉ đạt hơn 1.444 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 19,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 11,3 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu đặt ra.
Ngoài ra, trong năm 2017, Than Mông Dương dành tới hơn 122 tỷ cho hạng mục chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong khi phí cho bán hàng chỉ hết 14,1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 122 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, chỉ 45 tỷ đồng chi cho nhân viên, còn lại gần 72,5 tỷ đồng là chi khác bằng tiền mặt và khoản (cũng là phí chi khác) gần 5 tỷ đồng.
Về quản lý tài sản, Than Mông Dương có khoản phải thu lên tới hơn 315 tỷ đồng và tồn kho hơn 29 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là các khoản thu ngắn hạn, trong đó nhiều nhất là Công ty tuyền than Cửa Ông – TKV gần 251 tỷ đồng (con số này của 2016 là 246 tỷ đồng); còn lại là Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả – Vinacomin.
Chiến lược… có vấn đề
Trước tình hình kinh doanh sa sút của Công ty, các cổ đông, cán bộ công nhân viên đang đặt dấu hỏi lớn về năng lực quản lý, chiến lược phát triển doanh nghiệp. Và có hay không việc “cánh chim đầu đàn” của ngành than đang bị “gãy cánh”?
Từng công tác tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, GS. TSKH Nguyễn Quang Thái – Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, ông nắm được nhiều bất cập ngành than. Những năm gần đây, trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, cơ chế chính sách cũng chưa có nhiều thay đổi thích hợp, nhất là cơ chế giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn, như than bán cho phát điện.
Trong điều kiện quản lý ngành tài nguyên còn nhiều sơ hở thì với giá bán thấp và tình trạng than “thổ phỉ” đã làm hiệu quả kinh doanh giảm thấp. Thêm vào đó, xuất khẩu của than nước ta cũng đang gặp cạnh tranh gay gắt khi giá thành cao hơn mặt bằng giá quốc tế vài chục phần trăm. Trong điều kiện tác động đa chiều như vậy, ngành than gặp khó khăn là đương nhiên.
Cho dù khách quan có những tác động nhưng theo ông Thái, không thể lấy lý do đó để biện minh cho yếu kém của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam.
“Chiến lược phát triển ngành than có vấn đề khi để bù lỗ, ngành than phải xuất khẩu giá rẻ để có nguồn tài chính. Nhưng như vậy đã góp phần làm cạn kiệt tài nguyên, cuối cùng lại phải nhập than giá cao”, ông Thái phân tích.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn, phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đề xuất hướng xử lý thay vì chỉ đưa ra điệp khúc “rút kinh nghiệm”.