Ngược với xu hướng chung, một số ít CTCK vẫn báo lãi. Và đáng chú ý là cho dù lãi hay lỗ, vẫn có những CTCK đang nỗ lực gia tăng thị phần, tích cực đầu tư trên nhiều phương diện để đón đầu khi thị trường hồi phục.
Đóng và mở
Trong 2 tháng cuối quý II, khoảng 20 CTCK đã công bố, hoặc có công văn xin ý kiến SSC và được chấp thuận về việc đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, trong đó có những CTCK đã từng ở top 10 dẫn đầu về thị phần môi giới trên hai sàn HoSE và HNX như Thăng Long (TLS), ACB (ACBS), EuroCapital ( ECCS ), SacomBank – SBS (SBS), APEC (APS), VietinBankSc (CTS), Chứng khoán DN vừa và nhỏ (SMES), Phố Wall (WSS)… Việc chọn một giải pháp mà cái giá phải trả không rẻ là thu hẹp thị phần, mất đi nhiều khách hàng cũ do đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch cũng đồng nghĩa với sa thải, rút bớt nhân sự và khi các nhà môi giới ra đi, nhiều khách hàng sẽ lần lượt “cuốn tài khoản” theo sau… đã cho thấy kể cả những CTCK có “máu mặt”, có thương hiệu hay thị phần trước đây, ở thời điểm hiện nay cũng khó tránh lao đao.
Bên cạnh đó, dù TTCK chưa có gì sáng sủa và hầu hết NĐT đều vẫn giữ tâm trạng ngán ngẩm khi nhìn bảng điện, thậm chí ngại lên sàn, chỉ đặt lệnh qua trực tuyến, điện thoại, một số CTCK vẫn mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch mới. Chứng khoán SSI, sau thời gian dài đẩy mạnh tự doanh và đã nếm thua lỗ do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán trong quý I/2011, giờ đây đang lấy lại vị trí số 1 trong top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên hai sàn, tập trung hoạt động môi giới bằng cách khai trương thêm hai phòng giao dịch tại Hà Nội và một chi nhánh ở TP HCM…
Mở chi nhánh mới trong bối cảnh hầu hết các CTCK “thu không đủ bù chi” là một chiến lược cạnh tranh dài lâu và rất quan trọng đối với những CTCK không tự doanh như KEVS, ông Lê Minh Tâm – Tổng giám đốc KEVS nói. Dự kiến cuối năm nay, KEVS có thêm chi nhánh tại TP Long Xuyên, bổ sung “chân rết” trải dài trên toàn quốc. Mặt khác, đây là một trong số ít CTCK hiện nay còn tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ thông tin và củng cố niềm tin cho NĐT, thông qua các chuỗi hội thảo nhận định về kinh tế vĩ mô, quản trị DN, xu hướng thị trường… Một nguồn thạo tin trong giới đầu tư ước tính “sơ sơ” mỗi hội thảo cũng “ngốn” của KEVS không dưới ba trăm triệu đồng. Trong khi những nỗ lực đi “ngược” thị trường như vậy ngay lập tức chưa mang lại cho CTCK doanh số giao dịch hay tài khoản “sống”, thì đây là một nỗ lực hết sức đáng ghi nhận.
Nhân sự – quốc tế hóa CTCK nội
Khi khó khăn, nhân sự dịch chuyển là lẽ thường tình. Với thị trường tài chính thì việc dịch chuyển nhân sự ở những thời điểm như hiện nay còn diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ. Không chỉ dịch chuyển nhân sự của các phòng giao dịch, chi nhánh trong một CTCK mà sự dịch chuyển đang diễn ở mọi Cty, và ở nhiều quy mô khác nhau. Qua đó, các CTCK cũng có cơ hội thanh lọc nhân sự, chọn được người tài với mức “giá” dễ chịu hơn.
Thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều yếu tố “ngoại”, từ bán cổ phần cho đến “mua” nhân sự. Ở góc độ thu hút nhân sự quốc tế, chứng khoán Bản Việt (VCSC) là một mô hình. Năm 2010, VCSC có 3 nhân sự “ngoại” 100%, đến từ các thị trường tài chính phát triển và 3 nhân sự này đều được giao trọng trách lãnh đạo ở các bộ phận trọng yếu như Tài chính DN, Phân tích, Môi giới. Năm 2011, VCSC vừa gia tăng thêm một nhân sự ngoại ở cương vị phụ trách Phân tích kỹ thuật. Ngoài ra, tại Bản Việt, hiện còn có 6 nhân sự mang hai quốc tịch.
Theo ông Huỳnh Richard Lê Minh – Phó tổng giám đốc VCSC bí quyết thu hút người tài, những nhân sự giỏi thì việc trả lương cao không hẳn là yếu tố quyết định, mà chính là tạo môi trường cho người tài được thể hiện tài năng của mình. Các chính sách làm việc cộng với sự đãi ngộ phù hợp của Cty sẽ khuyến khích họ làm việc, phục vụ khách hàng hiệu quả, cống hiến nhiều hơn cho DN và mang lại lợi ích cho bản thân họ. Và điều đó mới thực sự khiến nhân sự gắn bó với Cty.
Ở một số CTCK khác như Chứng khoán TP HCM (HSC) hay KEVS, thu hút thêm nhân sự quốc tế cũng là một kế hoạch đã thực thi trong nhiều năm. Chuyên gia Fiachra Mac Cana là người gắn bó khá lâu với HSC và TTCK VN. Có thể đây là một trong những cơ sở tin cậy để HSC “dám” tự doanh, tiếp tục chi tiền cho tự doanh, kể cả ở những lúc thị trường suy thoái. Còn với KEVS, sau nhiều lần mời “tướng” phân tích đến từ các quốc gia Châu Á, từ tháng 7 này, ông Kokolari, một chuyên gia tài chính – chứng khoán người Mỹ có bằng CFA và kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các định chế tài chính lớn… sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí này.
Trọng phân tích
Việc chu chuyển nhân tài “ngoại” từ thị trường thế giới đến thị trường VN, với các CTCK giàu tiềm lực hầu hết diễn ra trong mảng phân tích. Điều này là dễ hiểu bởi phân tích là công cụ để các CTCK hỗ trợ NĐT, cũng là hỗ trợ các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Còn nhớ năm 2007, một nhóm NĐT Nhật Bản vào VN đã tìm đến một trang mạng về chứng khoán, “đặt hàng” phân tích. Sau một thời gian hợp tác, nhóm NĐT này cạn vốn, do được “chỉ dẫn” và “khuyến nghị” đầu tư vào một số Cty không mang lại lợi nhuận khả quan. Khoảng cách về sự thiếu chuyên nghiệp của những năm trước đây nay đã được xóa nhòa. Chứng khoán VN đã xuất hiện nhiều báo cáo phân tích miễn phí bằng tiếng Anh, Hoa, Nhật… từ SSI, HSC, VCSC, KEVS, SBS, TVS… Thậm chí, hãng tin Bloomberg còn kinh doanh được báo cáo phân tích do VCSC cung cấp miễn phí, trực tiếp bán account (tài khoản) tới các NĐT.
Như vậy, đây là điều an ủi với các chuyên viên phân tích ở nhiều CTCK hiện nay, mặc dù theo nguồn tin riêng của DĐDN, bên cạnh việc đóng cửa chi nhánh, một số CTCK đã dẹp luôn phòng phân tích. Khi cần, hoặc để duy trì thông tin định kỳ tới NĐT, bộ phận môi giới hoặc đầu tư kiêm nhiệm. Có lẽ chính vì vậy mà dự thảo thông tư thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Cty chứng khoán, được SSC đưa ra lấy ý kiến thị trường không lâu trước khi Thông tư 74 BTC ban hành, đã đề cập đến những quy định rất cụ thể trong việc công bố thông tin, nhận định thị trường của các CTCK.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Hải Trà – Ủy viên HĐQT Sở giao dịch chứng khoán TP HCM nói ông đặc biệt ủng hộ “siết thông tin” từ các CTCK. Vì theo ông Trà, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hiện nay có rất nhiều báo cáo phân tích hoặc nhận định thị trường, phân tích cổ phiếu DN… do các CTCK thực hiện, nhưng lại được đề rất chung chung, không có người chịu trách nhiệm chi tiết. Trong khi đó thì thông lệ quốc tế đã có quy định rất chặt chẽ về đối tượng được thực hiện, ký tên trong những báo cáo có thể ảnh hưởng đến quyết định của NĐT. Ví dụ, trong những báo cáo kiểm toán, chỉ những kế toán viên công chứng được cấp chứng chỉ CPA mới được ký tên, xác nhận. Còn các báo cáo phân tích về chứng khoán và TTCK thì chỉ những chuyên gia phân tích chuyên nghiệp (CFA) mới được đứng tên. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng trong hoạt động của TTCK, thị trường tài chính nói chung, có một phần không thể thiếu là các báo cáo, nhận định, phân tích của các chuyên gia. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn quen với những báo cáo miễn phí, chưa quen với việc phải mua những báo cáo quan trọng. Trong tương lai không xa, ông Trà hi vọng là khi thị trường phát triển, những báo cáo, nhận định, phân tích… nếu thực sự chất lượng và có giá trị, cũng là một sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Một tương lai tươi sáng “không xa” của TTCK VN sẽ đến vào lúc nào, giờ đây khó ai dám nói chắc. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu thì có lẽ CKVN cũng khó có thể “hôn mê” sâu hơn nữa, bởi mọi cửa ải khó khăn nhất thì đều đã trải qua. Và khi nền kinh tế vẫn có triển vọng kiểm soát lạm phát ở dưới 20%, lại đang trên đà duy trì tăng trưởng GDP ở mức 5-6%, không có lý do gì mà “hàn thử biểu” của nền kinh tế lại thiếu triển vọng hồi phục. Vấn đề là những ai, tổ chức nào sẽ còn sức chịu đựng để chờ đến ngày đó. Trong trường hợp này, chắc chắn là với những CTCK đã bỏ sức trồng cây, hẳn sẽ không lo không đợi được tới ngày hái quả.