Thị trường giảm sâu, lợi nhuận quý II bị bào mòn
“Với diễn biến thị trường thời gian qua, việc CTCK giữ không lỗ đã là một thành công”, lãnh đạo một CTCK chia sẻ và cho biết thêm, diễn biến bất lợi của thị trường trong quý II/2018 đã “bào mòn” đáng kể lợi nhuận của các CTCK, nhất là những CTCK có hoạt động tự doanh lớn. Cũng theo vị này, những CTCK vẫn giữ được mức lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu nhờ doanh thu đột biến từ một số thương vụ tư vấn…
Thực tế, khối tự doanh của các CTCK đã thực hiện bán ròng khá mạnh trong 2 quý đầu năm 2018, với giá trị bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng (tính trong 5 tháng đầu năm), cao hơn số liệu cả năm 2017. Cụ thể, khối này mua vào 16.811 tỷ đồng và bán ra 18.132 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tự doanh chiếm 2,5% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Theo thống kê của FinnPro, 10 cổ phiếu được khối tự doanh của các CTCK mua ròng nhiều nhất trong nửa đầu năm là GEX, HPG, VNM, FPT, VIC, SAB, VNS, VCB, MBB và ROS. Trong đó, hầu hết nhóm cổ phiếu này đều giảm giá trong quý II/2018.
Một số CTCK có hoạt động tự doanh lớn như CTCK TP.HCM (HSC), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK VNDirect (VND), CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)… được dự báo sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm của thị trường trong quý 2 vừa qua, bởi tỷ trọng nguồn thu đến từ hoạt động tự doanh chiếm khá lớn trong cơ cấu doanh thu của các công ty này.
Đơn cử, tại HSC, chỉ tính riêng quý I/2018, trong số 325 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoạt động tự doanh mang lại 185 tỷ đồng. Hay tại SHS, mảng tự doanh ghi nhận lãi 164 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận. Còn tại CTCK Agriseco (AGR), diễn biến tiêu cực trong quý II/2018 cũng khiến AGR không đạt lợi nhuận như kỳ vọng khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, AGR chỉ đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 40% so với kế hoạch năm.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS cho biết, bản thân các CTCK sẽ biết lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp với từng thời điểm.
“SHS đã chuyển hướng theo mô hình ngân hàng đầu tư và đang thực hiện đầu tư theo các mô hình liên kết, đồng thời giảm dần tỷ trọng tự doanh để hạn chế rủi ro”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, diễn biến của thị trường hiện tại sẽ tất yếu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của khối CTCK, nhưng chỉ mang tính thời điểm, điều quan trọng là phải có những giải pháp cụ thể để đưa thị trường quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, mà mấu chốt là sự liên thông giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán.
“Hiện tại, dư nợ tín dụng trên thị trường chứng khoán mới chiếm 0,8% tổng dự nợ nền kinh tế, trong khi lĩnh vực bất động sản là hơn 20%. Điều này cho thấy, nếu có chính sách khai thông nguồn vốn cho chứng khoán thì thị trường này sẽ có nhiều cơ hội để nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm”, ông Tiến nhìn nhận.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK VietinBank (CTS) cho biết, biến động bất lợi của thị trường trong quý II/2018 đã ảnh hưởng đến nguồn thu của Công ty. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2018, CTS lãi khoảng 75 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận quý II chỉ đạt khoảng 25% so với quý I/2018.
Theo lãnh đạo CTS, doanh thu khối CTCK phần lớn đến từ 4 mảng hoạt động chính, đó là môi giới, kinh doanh vốn (margin), tự doanh và tư vấn tài chính.
“Khi thị trường thuận lợi, các mảng này sẽ mang lại nguồn thu lớn, từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận và ngược lại, khi thị trường khó khăn, doanh thu từ các mảng này sẽ giảm sút, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Trong đó, hoạt động tự doanh được hiểu không chỉ đơn thuần là hoạt động mua bán của các CTCK, mà còn là chất xúc tác đẩy mạnh hoạt động phân phối sản phẩm cho nhà đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội gia tăng nguồn thu
Bên cạnh những CTCK bị ảnh hưởng bởi đà giảm sâu của thị trường, vẫn có những CTCK ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm. Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, MBS đạt xấp xỉ 140 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.
Theo lãnh đạo MBS, thị trường chứng khoán đang chịu tác động của nhiều yếu tố cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, song rủi ro của những biến động này vẫn có thể lường trước được.
“MBS vẫn tin vào xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn, nhất là giai đoạn cuối năm nay, thị trường sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, cũng như cá nhân cả trong và ngoài nước. Hơn nữa, bên cạnh thị trường cơ cở, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trưởng chứng khoán phái sinh và tới đây là sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) sẽ giúp nhà đầu tư có thêm công cụ đầu tư, cũng như giúp các CTCK gia tăng nguồn thu”, ông Hà nói.
Với CTCK Vietcombank (VCBS), Công ty cũng ghi nhận con số lợi nhuận trên 140 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tương đương hoàn thành hơn 70% kế hoạch cả năm. Lãnh đạo VCBS cho biết, tổng nguồn thu trong nửa đầu năm 2018 của Công ty có sự đóng góp của tất cả các mảng hoạt động, song nổi trội nhất là mảng tư vấn.
Do đặc thù hoạt động, lợi nhuận của khối CTCK thường phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán. Thực tế, nhiều CTCK đã chịu tác động mạnh từ diễn biến tiêu cực của thị trường trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn nửa cuối năm, dư địa tăng của cổ phiếu, cũng như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các CTCK vẫn được đánh giá cao, nhất là những CTCK có thị phần lớn.
Số liệu thống kê từ danh sách Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất trong quý II/2018 mà Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa công bố cho thấy, giá trị giao dịch của nhóm này chiếm tới 73% tổng giao dịch toàn thị trường, trong khi gần 70 CTCK khác chia nhau 27% phần còn lại. Trong Top 10 này vẫn là những gương mặt quen thuộc như SSI, HSC, VCSC, VND, MBS, SHS…
“Nhìn vào xu hướng chung của thị trường từ nay đến cuối năm, triển vọng trung hạn vẫn được đánh giá khá tích cực, tạo kỳ vọng giúp các CTCK có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong giai đoạn cuối năm”, ông Khổng Phan Đức nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Trần Hải Hà cho rằng, thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm nay cũng được dự báo tốt hơn so với các năm trước.
“Thị trường hiện đang ở giai đoạn vận động theo hướng phân hoá và chọn lọc, bởi sự điều chỉnh trong gần 3 tháng qua đã đưa mặt bằng giá chung trên thị trường về giá trị mới. Chỉ chờ thị trường có dấu hiệu hồi phục và lấy lại sự cân bằng, thì không chỉ nhà đầu tư, mà các CTCK cũng sẽ trở lại đường đua”, ông Hà nhìn nhận.