Từ giảm phí giao dịch…
Trong quý I/2018 – thời điểm thị trường cơ sở thăng hoa, thanh khoản thị trường thường ở mức cao, trung bình 8.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, bước sang quý II, khi thị trường cơ sở giảm mạnh, thanh khoản đã tụt xuống mức 3.000 tỷ đồng/phiên.
Với đặc điểm nổi trội là có thể kiếm lời ngay cả khi thị trường giá xuống, việc thanh khoản trên thị trường cơ sở sụt giảm mạnh được đánh giá là do dòng tiền chuyển dịch từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh để vừa phòng vệ, vừa tìm kiếm cơ hội sinh lời. Điều này khiến khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh tăng vọt từ mức trung bình 35.000 hợp đồng/phiên trong quý II/2018, lên 120.000 hợp đồng/phiên từ tháng 7 đến nay.
Trong bối cảnh thị trường phái sinh giao dịch sôi động, để thu hút nhà đầu tư, nhiều CTCK đã giảm phí giao dịch. Thực tế cho thấy, so với thời điểm thị trường phái sinh bắt đầu hoạt động, mức phí giao dịch tại các CTCK đã giảm đáng kể, từ mức 20.000-30.000 đồng/hợp đồng/lượt ban đầu, về 4.000-15.000 đồng/hợp đồng/lượt hiện tại.
Đơn cử, tại CTCK TP.HCM (HSC), mức thu phí chia theo khách hàng có nhân viên quản lý, có mức giao dịch dưới 1.000 hợp đồng áp dụng phí 12.500 đồng/hợp đồng/lượt, trên 1.000 hợp đồng là 8.000 đồng/hợp đồng/lượt và giảm 10% trên tổng phí giao dịch, hoàn trả vào ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo đối với trường hợp khách hàng tự đặt lệnh.
Với khách hàng không có nhân viên quản lý tài khoản, nếu giao dịch dưới 1.000 hợp đồng là 11.250 đồng/hợp đồng/lượt; trên 1.000 hợp đồng là 7.200 đồng/hợp đồng/lượt và đáo hạn hợp đồng là 11.250 đồng/hợp đồng/lượt. Nửa đầu năm 2018, thu phí dịch vụ chứng khoán phái sinh của HSC đạt 33 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm là 24 tỷ đồng.
CTCK VNDirect (VND) có chương trình ưu đãi phí giao dịch cho khách hàng có khối lượng giao dịch mở/đóng từ 500 hợp đồng/ngày trở lên sẽ được giảm 2.000 đồng/hợp đồng/lượt, tức còn 5.000 đồng/hợp đồng/lượt, hay tổng giao dịch 2 chiều trong ngày là 10.000 đồng/giao dịch 2 chiều/hợp đồng, phí giao dịch một chiều mở/đóng vị thế qua ngày 10.000 đồng/hợp đồng/lượt.
Tại CTCK MB (MBS), với khách hàng hiện hữu, phí giao dịch đóng/mở trong ngày là 7.000 đồng/hợp đồng/lượt và phí giao dịch qua đêm/đáo hạn hợp đồng là 12.000 đồng/hợp đồng/lượt. Với khách hàng mở lần đầu, trong vòng 3 tháng kể từ ngày mở tài khoản, MBS áp dụng mức phí thấp hơn 2000 đồng/hợp đồng/lượt.
Còn tại CTCK KIS Việt Nam (KIS), Công ty áp dụng mức phí cố định 5.000 đồng/hợp đồng/lượt (đối với giao dịch mở, giao dịch đóng và đáo hạn hợp đồng) đến hết 30/9/2018 dành cho khách hàng mở mới tài khoản phái sinh.
Trong khi đó, từ 16/7/2018, CTCK Sài Gòn (SSI) ưu đãi cho khách hàng 3 tháng đầu mở tài khoản với mức phí 5.000 đồng/hợp đồng/lượt. CTCK BIDV (BSC) mức phí áp dụng từ 18/6-30/9/2018 là 4.000 đồng/hợp đồng/lượt.
… hướng đến ưu đãi lãi suất margin
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta cho rằng, về lâu dài, các CTCK tham gia thị trường phái sinh sẽ không cạnh tranh quá nhiều về mức phí giao dịch, mà tập trung vào lãi suất cho vay margin.
“Đã có CTCK lên kế hoạch đưa mức phí giao dịch về 0 đồng. Tại nhiều thị trường trong khu vực, đa phần CTCK đã áp dụng mức phí này, bởi họ muốn thu từ lãi đòn bẩy là chính”, ông Minh nói.
Giai đoạn thị trường sụt giảm, dư nợ margin một số CTCK gia tăng, trong khi dòng tiền margin vào thị trường cơ sở kém hơn, nguyên nhân chính là do dòng tiền này đã chảy vào thị trường phái sinh. Theo ông Minh, giống như thị trường cơ sở, sẽ có cuộc đua lợi nhuận dựa trên lãi cho vay margin trên thị trường phái sinh.
Với các CTCK có 100% vốn ngoại, ông Minh cho rằng, sẽ theo định hướng của tập đoàn mẹ – tức là mức phí không phải yếu tố chính, mà chủ yếu là lãi suất margin.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay margin phổ biến khoảng 11,5%/năm, thậm chí thấp nhất từ 7,5%/năm – vẫn là mức hấp dẫn đối với các tập đoàn nước ngoài vốn có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, với lãi suất ngân hàng ở nước sở tại chỉ khoảng 2,5-3%/năm, nếu cộng thêm bảo hiểm rủi ro tỷ giá thì tối đa cũng chỉ hơn 4%/năm.
Theo đó, cuộc cạnh tranh lãi suất margin phái sinh sẽ ngày càng khốc liệt, nhất là khi các CTCK vốn ngoại tại Việt Nam dần đáp ứng đủ điều kiện và sẽ gia nhập thị trường phái sinh từ năm 2019.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về lợi thế cạnh tranh của công ty khi gia nhập thị trường phái sinh muộn hơn, giám đốc môi giới một CTCK cho biết, vẫn chủ yếu là lãi suất cho vay hấp dẫn.