“Vướng mắc ở hợp đồng ủy quyền cũ”
Ông Mạc Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TLS)
Từ ngày 1/8/2011, theo Thông tư 74 thì việc ủy quyền của cá nhân phải có công chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương. Như vậy, các thủ tục hành chính liên quan đến hợp đồng ủy quyền sẽ chặt chẽ và phức tạp hơn. Nếu UBCK áp dụng các quy định mới này cho các hợp đồng ủy quyền trước 31/7/2011 thì khối lượng công việc cần xử lý là rất lớn và mất thời gian.
Ở nội dung cho phép mở nhiều tài khoản hay mua bán một loại cổ phiếu cùng phiên, chúng tôi cần UBCK làm rõ một số quy định, cũng như chờ đợi sự hướng dẫn cụ thể từ Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký.
Đối với hoạt động margin, chúng tôi phải chờ quy chế giao dịch ký quỹ từ UBCK. Về cơ bản, dự thảo quy chế giao dịch ký quỹ hiện tại đưa ra rất chặt chẽ và rất khó thực hiện trong thực tế.
“Mong đơn giản hơn trong quy định mua bán cùng phiên”
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
HSC đã gần như sẵn sàng để triển khai Thông tư 74. Chúng tôi chỉ còn đợi thêm hướng dẫn về việc cho nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và cho phép giao dịch cùng phiên một loại cổ phiếu.
Thực tế, các CTCK sẽ gặp khó khăn hơn với quy định cho phép mở nhiều tài khoản. Vì nhà đầu tư mở nhiều tài khoản nhưng chỉ được lưu ký chứng khoán ở một nơi, dẫn đến việc các CTCK phải vất vả hơn trong kiểm tra tài khoản nhằm tránh trường hợp nhà đầu tư bán khống chứng khoán.
Để có thể dễ dàng hơn cho khâu quản lý, tôi nghĩ Trung tâm Lưu ký nên định ra một mã số duy nhất cho mỗi nhà đầu tư. Mã số này giống như mã số thuế hay chứng minh nhân dân. CTCK chỉ cần tra theo mã số là có thể theo dõi và biết được tình hình chứng khoán nắm giữ của nhà đầu tư. Đây là cách mà nhiều nước có TTCK phát triển đang thực hiện.
Với việc cho phép mua bán một loại cổ phiếu cùng phiên, tôi nghĩ không cần thiết phải quy định thêm về thay đổi sở hữu sau giao dịch, dù rằng quy định này nhằm ngăn chặn nguy cơ làm giá. Thứ nhất, số nhà đầu tư làm giá chứng khoán qua mua bán cùng phiên là không nhiều. Dẫu cho họ muốn làm giá thì quy định mới sẽ khiến hoạt động này không còn ý nghĩa. Khi mọi người đều có thể thực hiện theo cách thức ấy, nhà đầu tư muốn làm giá sẽ phải hết sức cẩn thận vì rất dễ “gậy ông đập lưng ông”. Thứ hai, CTCK, Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký gần như không thể kiểm soát được giao dịch cùng phiên của nhà đầu tư là làm thay đổi hay không thay đổi sở hữu. Nếu có thể kiểm soát được thì cũng rất phức tạp. Bởi thế, chúng tôi không mong gì hơn là quy định ban hành cần đơn giản và dễ thực hiện. Chúng tôi cũng cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu quy định ủy quyền phải có công chứng hoặc xác nhận của địa phương được gia hạn đến hết năm 2011. Vì với gần 50% trong số tài khoản của nhà đầu tư ở HSC có thực hiện ủy quyền, việc xử lý chuyển đổi cần rất nhiều thời gian.
“Thách thức về quản lý rủi ro”
Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam (KEVS)
Việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và được mua bán cùng loại chứng khoán trong cùng phiên sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho CTCK. Xét ra, những thay đổi này không quá phức tạp về mặt kỹ thuật đối với các CTCK cũng như không phải hoàn toàn mới mẻ với nhà đầu tư (như margin). Thách thức lớn với CTCK khi Thông tư 74 áp dụng là CTCK phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý rủi ro. Ngoài ra, vẫn còn nhiều điểm khúc mắc trong việc hiểu và thực hiện thông tư này có khác nhau giữa các CTCK (ví dụ như việc ủy quyền giao dịch tài khoản). Chúng tôi mong UBCK có văn bản hướng dẫn thống nhất.
Về phía KEVS, ngay sau khi Thông tư 74 được ban hành, chúng tôi đã tiến hành chỉnh sửa quy trình, test hệ thống nội bộ cũng như test với các Sở GDCK. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng cho tất cả các nghiệp vụ này. Riêng nghiệp vụ margin, KEVS học hỏi và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro của Tập đoàn Kim Eng, nên chúng tôi yên tâm với quy trình và chất lượng công tác tổ chức quản lý rủi ro của mình