Thử hỏi với số lượng CTCK hiện nay, trong khi lĩnh vực hoạt động môi giới tự doanh, tư vấn…… đang teo tóp dần, các công ty sẽ tồn tại ra sao? Rõ ràng nhiều CTCK đang đi vào cửa tử.
Mất tiền, mất cả cơ hội
Cuối tháng 5, Công ty TNHH MTV Tài chính IPA, cổ đông lớn của CTCK VN Direct (VND) đã bán ra 3 triệu cổ phiếu (CP) VND. Cuối tháng 6, cũng chính cổ đông lớn trên lại đăng ký bán cho một số nhà đầu tư (NĐT) khác gần 3,8 triệu CP VND. Đầu tháng 7, một thành viên HĐQT VND công bố đã bán hơn 1,25 triệu CP để giảm tỷ lệ từ 1,25% xuống gần 0%.
Năm 2009, VND đạt hơn 210 tỷ đồng lợi nhuận (LN) sau thuế, đến năm 2010 con số này giảm xuống một nửa, còn hơn 105 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay công ty bị lỗ gần 130 tỷ đồng. Từ khi bà Phạm Minh Hương thôi làm Tổng giám đốc VND, chỉ giữ cương vị Chủ tịch HĐQT, NĐT đã nghĩ tới việc cổ đông lớn bắt đầu chán VND.
Chưa đầy 3 năm, kết quả kinh doanh (KQKD) của VND đã sa sút thấy rõ và chỉ trong vòng 3 tháng, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đã tiến hành bán ra, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng chứng khoán không còn là mảnh đất màu mỡ nên các đại gia lần lượt rút lui?
Một thành viên HĐQT của CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA – sở hữu 100% Công ty TNHH MTV Tài chính IPA, cũng là cổ đông lớn của VND đã cam kết: Không hạ thấp tỷ lệ nắm giữ VND xuống dưới 35%. Nhưng chừng đó là không đủ để khẳng định IPA sẽ không “nhả” VND trong thời gian tới, nếu TTCK tiếp tục gặp khó khăn.
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới CTCK MHBs cho rằng rất nhiều CTCK hiện đã âm vốn, chủ yếu sống nhờ vốn vay, nhưng vẫn có quan điểm cho rằng chứng khoán là ngành cơ hội, chỉ cần thị trường tốt là cơ hội đến mà cụ thể là ở hoạt động tự doanh. Vì so với các mảng khác như tư vấn hay môi giới, nhiều người vẫn “thích” tự doanh hơn vì đỡ nhọc công mà dễ kiếm lời. Đây có phải là hướng đi căn cơ của CTCK?
Một trường hợp khác là CTCK Mê Kông, năm 2009 một số cổ đông lớn đã rót vốn vào đây khá mạnh, công ty có hàng loạt chính sách chiêu mộ nhân sự cao cấp với mức lương hấp dẫn. Nhưng hiện công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng và chờ đợi thời cơ, thậm chí còn có tin đồn các cổ đông chán và muốn rút vốn.
Nửa đầu năm 2011, CTCK Hải Phòng (HPC) thua lỗ hơn 18 tỷ đồng, đưa tổng số lỗ lũy kế của công ty lên đến hơn 167 tỷ đồng. Số lỗ của HPC gấp gần 2,5 lần so với khoản thặng dư và tương đương 40% so với vốn điều lệ 400 tỷ đồng của công ty.
Cổ đông lớn của VND vẫn còn khá may, vì vẫn bán được CP ra bên ngoài, nhiều CTCK có CP rớt xuống 0.5-0.6 cổ đông có muốn bán lại với giá vốn ban đầu 1.0 cũng đừng “mơ”.
Năm 2008, một số CTCK khốn đốn không kém bây giờ, nhưng đường thoát thân của cổ đông lớn vẫn rất rộng, bởi lẽ khi đó niềm tin vào thị trường lớn hơn bây giờ, nên nhiều CTCK vẫn kiên quyết bám trụ, chỉ có số ít chấp nhận bán giấy phép hoạt động, vốn không dễ xin được. Còn hiện nay, số lượng CTCK nhiều hơn, nhưng bên bán lại không chịu giảm giá, thì chuyện không ai muốn mua cũng là điều dễ hiểu.
Cửa tử rộng mở
Thực tế dù thị trường có tốt hơn, việc “đánh đấm” trong thời gian tới đây cũng không thể dễ dàng như trước. Những chiêu trò kiểu như CTCK tư vấn cho doanh nghiệp niêm yết, sau đó mua CP giá ưu đãi rồi bán ra ngoài thị trường, hoặc kết hợp với các đội lái để đẩy giá CP đã không còn đất diễn. Hàng loạt nhân viên của CTCK đã thua lỗ, trong khi đội lái không còn dám tung hoành như trước vì sợ dính vào vòng lao lý.
Giám đốc chi nhánh của một CTCK có thương hiệu cho biết, để một CTCK nhỏ với khoảng 30 người có thể hòa vốn, mỗi ngày GTGD sẽ phải đạt từ 30 tỷ đồng trở lên. Năm 2009, khi GTGD ở mức vừa vừa trên cả 2 sàn cũng lên đến 3.000 tỷ đồng mỗi ngày, 30 tỷ đồng chỉ tương đương 1% không quá khó để đạt được.
Nhưng hiện nay, có những ngày GTGD toàn thị trường chỉ đạt hơn 450 tỷ đồng (25-7) thì để đạt được mức 30 tỷ đồng, tức là phải chiếm gần 7% thị phần, CTCK nhỏ không thể nào mon men đến mức này được. Giải pháp cắt giảm chi phí về mức tối thiểu cũng chỉ mang tính chất tình thế.
Ông Tạ Quốc Dũng, TGĐ CTCK Quốc Tế nhận xét trừ những CTCK lớn, có ưu thế gần như tuyệt đối, các CTCK tầm trung hoặc nhỏ sẽ cần phải xác định lại chiến lược của mình, có thể phòng thủ nhưng bên cạnh đó phải hướng đến sự tinh nhuệ. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải có một chiến lược nhân sự đúng đắn, nếu không giữ được người giỏi thì cần phải đào tạo để sẵn sàng khi thị trường phục hồi.
Đầu năm 2011, Chủ tịch HĐQT CTCK Sacombank (SBS) công bố sẽ đầu tư theo định hướng của Warrent Buffett (đầu tư hưởng cổ tức). Nhưng đến giữa năm nay, Tổng giám đốc của SBC lại trả lời báo chí rằng sẽ bỏ hẳn tự doanh. 6 tháng đầu năm, SBS lỗ gần 160 tỷ đồng.
Một CTCK lớn, vốn điều lệ (VĐL) hàng nghìn tỷ đồng, có Sacombank hậu thuẫn, mạnh nhưng vẫn thua lỗ, thử hỏi những CTCK khi đọc tên nhiều người còn chưa biết sẽ làm ăn như thế nào. 6 tháng đầu năm, CTCK Sài Gòn (SSI) vốn có thế mạnh cực lớn trong mảng tự doanh cũng lỗ hơn 88 tỷ đồng, vì một trong những nguyên nhân chính là việc trích lập dự phòng các CP như HVG, TMT, VF4…
Một vấn đề cũng hết sức nan giải đối với các CTCK lớn lúc này là: Để duy trì hoạt động, chứng tỏ sự “hùng mạnh” của mình sẽ phải duy trì đội ngũ nhân viên, các loại chi phí. Thí dụ, để tiếp tục củng cố thị phần, vẫn phải duy trì hoa hồng ở mức cao, có thể lên đến 50% cho môi giới. Nhưng hoa hồng cao, dẫn đến lợi nhuận thấp, không đủ để bù đắp cho những khoản lỗ bởi tự doanh. Đây là một trong những lý do khiến nhiều CTCK mặc dù thị phần nằm trong top 10 nhưng vẫn lỗ chỏng gọng.
Đợt rồi, một CTCK lớn đã tiến hành sa thải hàng trăm nhân viên, đóng cửa một loạt chi nhánh. Hệ quả sau đó là những cuộc tranh cãi, tố tụng lẫn nhau giữa nhân viên và các sếp. Sa thải nhân viên cũng đồng nghĩa với việc mất khách, nhưng đó không phải là rủi ro duy nhất, “hiểm họa” còn nằm ở chính những người ở lại. Rất đơn giản, khi thấy “bạn” bị sa thải, tất nhiên “mình” cũng sẽ lo lắng có ngày sẽ phải ra đi. Có thể có những động thái trục lợi hoặc gỡ gạc để chuẩn bị… trước khi ra đi.
Ở đây, có 3 loại nhân sự được xếp vào diện bom nổ chậm của CTCK: Thứ nhất, là những lãnh đạo cao cấp, vì gây ra quá nhiều sai lầm trong chiến lược đầu tư nên dù muốn ra đi cho nhẹ gánh cũng không được. Nhưng để những con người này lại cũng bất tiện vì nhiệt huyết làm việc không còn, trái lại các ông chủ của CTCK còn mất thêm một khoản kha khá về tiền lương.
Thứ hai, là những người đã trót thực hiện những “phi vụ” bất chính như sử dụng tài khoản của NĐT để giao dịch và thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
Thứ ba, là những nhân viên nhờ được công ty cho những chính sách ưu đãi về tài chính nên đã sử dụng đòn bẩy và thua lỗ trầm trọng, nên giờ phải ở lại để trả nợ. Những nhân sự rơi vào 1 trong 3 diện trên đây rất dễ tạo thêm những vụ việc tương tự như CTCK Hà Thành.
Đi tìm cửa sinh?
TS. Dương Cẩm Đà, Phó Tổng giám đốc CTCK Kim Eng (KEVS), nhận định: “TTCK đang khó khăn nhưng không phải tất cả chỉ là màu xám. Đây là cơ hội để các CTCK có thể tuyển chọn đội ngũ nhân sự tốt nhất từ một số CTCK bạn đang gặp khó khăn. Thu hút những nhân viên này đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo một cơ số khách hàng tiềm năng về cho công ty.
Bên cạnh đó, những công ty duy trì được chính sách đãi ngộ như trước sẽ giúp nhân viên an tâm hơn về tương lai của mình, từ đó có thể xốc vác hơn nữa trong việc tìm kiếm khách hàng”. 6 tháng đầu năm, KEVS và CTCK TPHCM (HCM) là một trong số ít CTCK có lãi. Có một điểm chung giữa 2 công ty là KEVS từ khi thành lập đã không tự doanh, còn HCM từ lâu đã không được một số người đánh giá cao ở mảng này.
Kết hợp thêm thế mạnh về môi giới, nên KEVS và HCM có thể tiếp tục tạo dựng vị thế của mình trong thời gian tới. Không phải các CTCK khác không nhìn ra những điểm tích cực của KEVS hay HCM, nhưng vấn đề ở đây là vì đã “dính” quá sâu vào các hoạt động tự doanh hoặc những khoản nợ khó đòi từ việc cung cấp đòn bẩy tài chính, nên rất khó hóa giải tình hình.
Mới đây, CTCK FPT (FPTS) đã công bố có lãi gần 68 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm và điều này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Trong báo cáo tài chính của FPTS, tổng tài sản của công ty đã giảm từ gần 2.600 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm xuống gần 1.500 tỷ đồng vào ngày 30-6, trong đó đáng chú ý là các khoản “phải thu khác” giảm từ hơn 1.100 tỷ đồng xuống hơn 115 tỷ đồng, phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán giảm từ gần 910 tỷ đồng xuống gần 670 tỷ đồng.
Những con số này tạo ra suy nghĩ FPTS đã xử lý các khoản đòn bẩy của mình khá tốt. Nhìn sang trường hợp một CTCK khác, trực thuộc một ngân hàng tầm trung, mặc dù lỗ nặng, nhưng vẫn chấp nhận thay đổi nhân sự từ trên xuống, bên cạnh việc sẵn sàng giải chấp, cắt giảm những ung nhọt từ những khoản thu khó đòi. Trong thời gian tới, nếu thị trường “hừng” trở lại, CTCK này có thể có lãi, hoặc nếu có tiếp tục xấu, số lỗ cũng thực hơn các CTCK khác.
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico: “Cho dù CTCK có gắng gượng chịu đựng, hoặc tìm giải pháp khác như sáp nhập, thâu tóm, thậm chí phá sản, nhưng để tránh tổn thất thì tính tương tác giữa các CTCK phải được gia tăng. Thời gian qua, khi các CTCK liên kết lại để đòi hỏi một số quyền lợi chính đáng, kết quả thu về tương đối khả quan. Nhưng vẫn cần phải nâng cao vai trò, chức năng của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) hơn nữa.
Tuy nhiên, cho dù những vị điều hành VASB có tâm huyết, có quan hệ chặt chẽ với UBCKNN, nhưng đề xuất từ VASB lên UBCKNN sau đó phải chuyển sang Bộ Tài chính, điều này có thể làm giảm đi tính chất cấp bách. Cần phải gia tăng được quyền lực mềm cho các hiệp hội nghề nghiệp, bởi lẽ tại nhiều nước trên thế giới, có những thỏa thuận giữa các thành viên hiệp hội còn có sức nặng hơn cả cơ quan quản lý”.