Những ngày vừa qua, liên tục các doanh nghiệp bị xử lý các vi phạm về công bố thông tin như cảnh cáo, cảnh báo, tạm dừng giao dịch…
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định cảnh cáo trên toàn thị trường đối với Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) và Công ty cổ phần Mire (KMR) do vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Một số cổ phiếu khác bị xử lý nặng hơn mức cảnh cáo, khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Một trong những trường hợp đó là cổ phiếu DCL của Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Cổ phiếu này bị đưa vào diện cảnh báo về công bố thông tin từ ngày 19/9 do Công ty vi phạm quy chế niêm yết chứng khoán. Cổ phiếu IFS của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế cũng bị cảnh báo về công bố thông tin. Trước đó, công ty này đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo và đã được HOSE nhắc nhở nhiều lần về việc chậm công bố báo cáo tài chính công ty mẹ soát xét bán niên.
Nặng hơn nữa là trường hợp cổ phiếu DCC của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp – Descon. Sau khi bị cảnh cáo trên toàn thị trường, HOSE quyết định tạm ngừng giao dịch cổ phiếu DCC do Công ty vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Trước đó, biện pháp tạm ngừng giao dịch cũng đã được áp dụng đối với cổ phiếu DVD của Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông.
Theo đại diện HOSE, trước những vi phạm gần đây về công bố thông tin của các công ty niêm yết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các sở giám sát chặt hơn nữa hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp và mạnh tay xử lý, thậm chí có thể hủy niêm yết. Đây là một trong những lý do mà trong những ngày gần đây, nhiều trường hợp chậm nộp các báo tài chính đã bị xử lý.
Giữa tháng 9 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có ý kiến chỉ đạo đối với các sở giao dịch. Cụ thể, trường hợp tổ chức niêm yết vi phạm nhiều lần, hoặc tình hình tài chính có dấu hiệu không minh bạch, các sở giao dịch cần có biện pháp xác minh, làm rõ. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm về báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, các sở cần kịp thời có các biện pháp xử lý, như cảnh báo, đưa chứng khoán niêm yết vào diện bị kiểm soát theo quy chế niêm yết của sở giao dịch để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bị xử phạt, đối tượng chịu thua thiệt lại thường là các nhà đầu tư. Ông Ngô Anh Dũng, một nhà đầu tư cho biết, mặc dù rất bức xúc việc doanh nghiệp chậm công bố thông tin, nhưng ông Dũng cũng không muốn doanh nghiệp bị phạt. “Lý do là, nếu doanh nghiệp bị cảnh báo, thì cổ phiếu của công ty sẽ bị giảm giá, dẫn tới thua thiệt cho nhà đầu tư. Nặng hơn, nếu cổ phiếu bị ngừng giao dịch, thì không thể bán được cổ phiếu”, ông Dũng giải thích.
Hiện trạng trên rõ ràng là một nghịch lý. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, một phần lỗi cũng nằm ở chính các cổ đông, khi đã quá dễ tính. Theo đó, với vai trò là chủ doanh nghiệp, các cổ đông đáng lẽ cần nghiêm khắc hơn, chẳng hạn phải đưa vào điều lệ hoặc nghị quyết đại hội về việc xử lý với ban lãnh đạo trong các trường hợp doanh nghiệp bị cơ quan quản lý phạt.
Ngoài ra, các cổ đông cũng có thể khởi kiện các cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp đã có những vi phạm gây thiệt hại cho cổ đông.
Ông Nguyễn Vĩnh Ban, Phó tổng giám đốc Công ty Luật DNAS cho biết, nếu phát hiện vi phạm của cá nhân trong ban lãnh đạo gây thiệt hại cho công ty, thì công ty đó có quyền khởi kiện những người này để bù đắp thiệt hại cho công ty và cổ đông