Hàng ngày báo chí đưa tin về các vụ vỡ nợ do người dân đặt sổ đỏ gửi tiền lãi suất cao cho chủ hụi. Mức lãi suất có thể lên đến 1 – 1,5%/ngày. Có những vụ vỡ nợ ở vùng quê lên đến cả trăm tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hùng, CEO Công ty tái cấu trúc doanh nghiệp Việt lại nêu lên thực trạng thiếu vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, có công ty phải vay tín dụng đen 60% nguồn vốn.
Những sự việc như thế này nói lên nhiều điều: thứ nhất, tiền nhàn rỗi trong dân còn nhiều; thứ hai, nhu cầu sinh lời của đồng tiền là có nhưng chưa tìm được địa chỉ phù hợp và quan trọng nhất là nhận thức của người dân về rủi ro còn rất thấp.
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề thị trường vốn – Tài chính vừa qua, ông Alwaleed Fareed Alatabani chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của World Bank đã chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, lên tới 60 tỷ USD nhưng nguồn vốn này chưa được kích hoạt. Làm thế nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Còn nhiều vấn đề đằng sau con số 60 tỷ USD
“Tôi chưa rõ về cách thức Ngân hàng Thế giới – WB tính toán để đưa ra con số 60 tỷ USD tích lũy trong dân nhưng nhiều năm nay, nhìn vào tổng tiết kiệm trong nước và tiết kiệm bên ngoài lớn hơn nhiều so với con số đầu tư tính trên tỷ lệ GDP”, TS Võ Trí Thành, nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương nhận định.
Ông Thành cho rằng số tiền nhàn rỗi có thể hiểu theo nghĩa số tiền đó không được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng trong nền kinh tế. Nói như vậy, theo vị chuyên gia không có nghĩa người dân để dưới dạng nhàn rỗi không sinh lời mà có thể người dân đang tích lũy dưới dạng tài sản tài chính. Theo vị chuyên gia, con số này là rất lớn và đặt ra vấn đề đối với chính sách.
Theo ông Thành, phải hiểu khái niệm “huy động” nguồn lực trong dân theo hai nghĩa. Thứ nhất, huy động bằng cách tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt để người dân đầu tư có hiệu quả. Một nghĩa khác là Nhà nước dùng công cụ để huy động tiền tích lũy đó để đầu tư. Tuy nhiên, cách thứ hai này còn liên quan đến vấn đề chi phí của nhà nước để thực hiện việc huy động vốn đầu tư cho hiệu quả.
Ông Thành cho rằng, trước hết Nhà nước phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, minh bạch và cạnh tranh hơn. “Nguồn lực chưa được đưa vào vào sản xuất một do môi trường kinh doanh méo mó nhất. Việt Nam vẫn gặp vấn đề về cạnh tranh, quyền tài sản và chi phí giao dịch kinh doanh cao”. Nhiều năm nay Chính phủ đặt ra vấn đề cải cách dù vậy, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự lớn.
Vị chuyên gia cho rằng niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh rất quan trọng, quyết định việc người dân có tham gia đầu tư sản xuất thay vì giữ tài sản dưới dạng tài chính.
Bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, theo ông Thành vấn đề mở cửa thị trường tài chính, tự do hóa cán cân thanh toán quốc tế cũng rất quan trọng đối với một nước mở cửa sâu và rộng như Việt Nam. Về cơ bản,Việt Nam đã tự do hóa cán cân vãng lai nhưng về cán cân vốn thì còn có những hạn chế. Nhà nước cần mở cửa khéo léo để thu hút những nguồn lực bên ngoài và hàng chục tỷ USD tài chính trong nước chưa tận dụng được.
Ông Thành cho rằng việc phát triển thị trường tài chính Việt Nam cũng rất quan trọng, cần đa dạng hóa các loại hình tài chính để khắc phục tình trạng khó tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các start up. Start up cần nhiều loại hình tài chính mới như các quỹ đầu tư.
Gỡ nút thắt
Theo Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng, để giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng và tránh mất cân đối vốn, mục tiêu dài hạn của Việt Nam phải phát triển cân bằng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBCK Nhà nước, con số 2 triệu tài khoản chứng khoán hiện tại trên 95 triệu dân hiện nay là rất khiêm tốn và điều cần làm hiện nay là củng cố nội lực bằng việc phát triển cơ sở nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước bên cạnh thu hút vốn từ nhà đầu tư tổ chức quốc tế.
Để làm được điều này cần tuyên truyền và giáo dục cho người dân về các sản phẩm tài chính. Ở các vùng nông thôn người dân hoàn toàn không tiếp cận được các sản phẩm ngân hàng, chứ chưa nói đến cổ phiếu và trái phiếu. Trình độ thấp khiến người dân có phần “ảo tưởng” về mức độ sinh lời và chấp nhận các lời mời gọi huy động vốn 1,5-2%/ngày mà không lường trước rủi ro.
Người dân có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư để quản lý tài sản, tuy nhiên hiện nay Việt Nam vẫn chưa phát triển nhiều loại hình quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ hưu trí tự nguyện. Theo bà Nguyễn Thị Thái Thuận, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital, có 3 nút thắt khiến cho sản phẩm quỹ hưu trí chưa được triển khai rộng rãi. Thứ nhất là ở khâu đào tạo, giáo dục. Có nhiều đơn vị sử dụng lao động không biết đến khái niệm Quỹ hưu trí tự nguyện và để sản phẩm này phổ cập với công chúng thì cần sự tham gia của nhiều bên. Thứ hai là cần có các ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân. Và thứ ba ở cơ chế sản phẩm. Nhà đầu tư cá nhân chưa quen đầu tư dài hạn, để tham gia quỹ hưu trí đòi hỏi họ đầu tư trong 20-40 năm, chắc chắn họ e ngại. Do đó, cần có cơ chế cho nhà đầu tư, trong đó cho phép họ rút vốn sớm để mua nhà, hoặc trả học phí cho con cái đi học.
Với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, theo Chủ tịch UBCK, lý do là chúng ta chưa có các tổ chức định hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tạo môi trường minh bạch cho các chủ thể tham gia thị trường cũng như thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển chưa đủ vững chắc để làm chuẩn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo số liệu của World Bank, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại chỉ đạt 1,4% GDP, trong khi thị trường cổ phiếu chiếm 52,2% và thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 20%. Thực tế việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đang rất manh mún và được phân phối chủ yếu qua kênh ngân hàng hoặc chào bán riêng lẻ. Với mức lãi suất tiền gửi 1 năm quanh mốc 7% như hiện tại, các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu khoảng 9-9,5% và được coi là mức sinh lời hấp dẫn trong bối cảnh thị trường cổ phiếu giảm điểm và thị trường bất động sản đóng băng. Tuy nhiên thông tin về kênh sinh lời này chưa được phổ biến rộng rãi đến các nhà đầu tư, không có nhiều người tiếp cận được.
Lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ ban ngành cần kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh. “Thông điệp của Chính phủ là kiên quyết để Việt Nam sớm được công nhận thị trường chứng khoán mới nổi”, thu hút nhà đầu tư quốc tế.Phó Thủ tướng cũng đề cao tính minh bạch trên thị trường và yêu cầu có một hệ thống giám sát có hiệu quả, cần có hệ thống quản trị nội bộ tốt và siết chặt thị trường theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư an tâm tham gia thị trường.