Cũng theo ông Andy Ho, dù về mặt chỉ số là như nhau, nhưng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007 đắt hơn gấp đôi giá thị trường hiện tại.
Thêm vào đó, khối lượng các công ty niêm yết đã tăng nhiều, chất lượng bề sâu của thị trường tốt hơn và tăng trưởng EPS của các công ty cao khoảng 16-18%. Do đó, về mức giảm của thị trường hiện nay là không nhiều.
Về đầu tư nước ngoài, ông Andy Ho cho rằng, khối ngoại vẫn nhắm đến thị trường Việt Nam, nhất là khi được đưa vào danh sách theo dõi của và có thể sớm vào MSCI.
Theo ông Andy Ho, các quỹ nước ngoài khi so sánh với chỉ số MSCI, họ phải mua vào cổ phiếu Việt Nam để không bị đánh giá thấp hơn. Do đó, nếu thị trường chứng khoán Việt lọt “rổ” MSCI ước tính sẽ có khoảng 10 tỷ USD vốn ngoại sẽ được đổ vào.
Hơn nữa, chiến tranh thương mại cũng là một cơ hội, bởi sẽ có một số doanh nghiệp nước ngoài sẽ cân nhắc mở nhà máy ở Việt Nam để gia tăng sản xuất. Chiến tranh thương mại cũng không quá liên quan đến việc xuất nhập khẩu, mà liên quan nhiều hơn đến bản quyền trí tuệ, Việt Nam không sợ vấn đề này.
Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng là một yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán khi mỗi năm nguồn vốn FDI được giải ngân khoảng 12-14 tỷ USD và vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Tài khoản vãng lai thặng dư 10-12 tỷ USD mỗi năm sẽ được tích lũy vào quỹ dự phòng lớn trên 60 tỷ USD. Với dự trữ lớn, tỷ giá Việt Nam mặc dù tăng nhưng vẫn khá ổn định nếu so với các nước Indonesia hay Ấn Độ.