Cổ phiếu TCB của Techcombank dự định sẽ niêm yết vào đầu tháng 6 với mức giá tham chiếu lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu. Năm ngoái, các cổ phiếu tư nhân đáng chú ý niêm yết lần lượt là VPBank (39.000 đồng/cổ phiếu), HDBank (33.000 đồng/cổ phiếu) và TPBank (32.000 đồng/cổ phiếu).
Nhưng trái với các ngân hàng trên, TCB lên sàn trong bối cảnh dòng cổ phiếu ngân hàng đang có xu hướng giảm mạnh. Điển hình là 2 mã cổ phiếu ngân hàng có thị giá dẫn đầu thị trường VCB của Vietcombank và VPB của VPBank. Ngày 29.5, VCB giảm mạnh từ mức đỉnh 74.500 đồng/cổ phiếu về chỉ còn 46.800 đồng, tương đương với thời điểm giữa tháng 12 năm ngoái. Đây cũng là phiên giao dịch “đen tối” của VPB khi giá cổ phiếu từ đỉnh điểm 69.500 đồng/cổ phiếu về mức 38.800 đồng.
Đáng chú ý, chuyển động của cổ phiếu TCB thêm lần nữa lại ngược chiều với xu hướng của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đến nay, trong khi các cổ phiếu ngân hàng nhìn chung bắt đầu bật lên trở lại, thì TCB sau khi ra mắt lại giảm đến hơn 25% so với mức giá tham chiếu (giảm tối đa vào phiên đầu tiên theo biên độ dao động 20%).
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy tháng 4 vừa qua là tháng “đen tối” của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hầu hết cổ phiếu ngân hàng cùng sụt giảm mạnh và nhiều trường hợp thậm chí giảm mạnh hơn cả VN-Index. Không chỉ trong tháng 4, diễn biến giảm giá còn tiếp diễn trong tháng 5 vừa qua. Số liệu thống kê cho thấy giá cổ phiếu VPB giảm hơn 12,28%, BIDV giảm 12,95%, ACB giảm 4,76%, VCB giảm 7% so với tháng trước đó.
Xu hướng giảm điểm này khác với trạng thái “hưng phấn” ở nhóm cổ phiếu ngân hàng từ cuối năm ngoái đến cuối quý I năm nay. Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố thuận lợi, như lợi nhuận tiếp tục ghi nhận ở mức cao kỷ lục, việc giải quyết các khoản nợ xấu có tiến triển mới, hoạt động niêm yết và M&A cũng rầm rộ hơn. Cổ phiếu ngân hàng khi đó tăng trưởng cùng với mức tăng chung của thị trường. Trong năm 2017, VN-Index đã tăng 48% và tăng thêm hơn 22% chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm.
Dù vậy, yếu tố thị trường đã từng là nhân tố ủng hộ thì nay lại trở thành rào cản đối với các cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền vào nhóm “cổ phiếu vua” đã giảm đáng kể, kéo giá rớt liên tiếp trong nhiều phiên giao dịch, đi cùng với chỉ số VN-Index. Theo đó, sau khi lập những kỷ lục mới hơn 1.204 điểm vào phiên 9.4 (tăng 22,4% so với cuối năm 2017), VN-Index đã rơi trở lại ngưỡng hơn 1.050 điểm vào cuối tháng 4 và nay là 1.036 điểm tính đến ngày 7.6.
Vì sao thị trường lại giảm điểm? Thực tế, khi VN-Index lên đến đỉnh hơn 1.200 điểm, đã bắt đầu có những thông tin cảnh báo về độ tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán. Trong một báo cáo về dòng tiền cuối tháng 5, SSI cho rằng sự sụt giảm của thị trường gần đây bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài, hơn là các yếu tố vĩ mô bên trong.
Thị trường chứng khoán đi xuống trong bối cảnh có nhiều giả thiết được đưa ra là có liên quan: tình hình thế giới (chiến tranh ở Syria, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hay mới đây là hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều), thêm vào đó là sự lo ngại về vấn đề giao dịch ký quỹ (cơ quan quản lý dự kiến giảm về mức 40% giá trị tài sản đảm bảo nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin).
Dù vậy, dễ nhận thấy các mã cổ phiếu lớn bị bán ra là nguyên nhân khiến VN-Index giảm mạnh, kéo theo đó là hàng loạt các mã cổ phiếu khác. Theo SSI, chứng khoán đã có sự điều chỉnh 20% sau mức 50% trong năm ngoái. Sự điều chỉnh này đã đưa định giá trở về mức ổn định và hợp lý hơn, trong đó có các cổ phiếu ngân hàng.
Thực tế diễn biến trên thị trường cho thấy các mã cổ phiếu ngân hàng đang ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường chứng khoán bởi giá trị vốn hóa lớn. Theo thống kê của SSI, tổng giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng chiếm 24% toàn sàn nhưng đóng góp tới 39% điểm số giảm của VN-Index trong tháng 4 qua. Hơn nữa, nhóm ngân hàng cũng là nhóm ngành chính dẫn dắt tâm lý thị trường và gây nhiều ảnh hưởng lên các nhóm ngành khác. Vì thế, đà giảm giá mạnh của nhóm ngân hàng, nhóm ngành được xem là “hàn thử biểu” cho nền kinh tế, thường khiến thị trường lo lắng.
Dù vậy, theo SSI, đợt điều chỉnh giá vừa rồi của các ngân hàng lại là tín hiệu tốt cho thị trường. Nguyên nhân cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là vì thị trường đã định giá quá cao nhóm cổ phiếu này. Cụ thể, theo bộ phận nghiên cứu của SSI, đợt tăng giá nhanh và mạnh từ cuối năm 2017 đã đẩy định giá nhóm ngân hàng lên rất cao. Theo đó, nhóm ngân hàng tuy có P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) không quá cao, nhưng định giá P/B (giá/giá trị sổ sách) cũng đã ở mức đắt so với các cổ phiếu ngân hàng trên thế giới.
Lấy ví dụ về VCB. Chỉ số P/B của VCB đỉnh điểm lên tới 5 lần trong khi bình quân của nhóm cổ phiếu ngân hàng có quy mô tương đương chỉ vào khoảng 1,5 lần. Tương tự, P/B của nhiều mã ngân hàng khác như BID, VPB, HDB, ACB cũng đều vượt ngưỡng 3 lần.
Một thực tế khác có thể thấy được là dù đang trong đà giảm mạnh, nhưng giá cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, VCB tăng 56,75% sau hơn 1 năm, VPB tăng 27,69%, MBB tăng 66,8%, ACB tăng 85,33% nếu tính đến phiên giao dịch ngày 5.6.
“Trong tình hình đó, việc điều chỉnh về mức định giá thấp hơn là hoàn toàn lành mạnh và cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán”, báo cáo về thị trường tiền tệ của SSI Retail Research nhận xét.
Hãy trở lại với cổ phiếu TCB của Techcombank. Trước câu hỏi về việc giá khởi điểm quá cao, đại diện Techcombank cho biết giá cổ phiếu sẽ lại điều chỉnh giảm sau khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ lên đến 200%. Thông qua phương án này, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, từ mức 11.655 tỉ đồng lên mức 34.966 tỉ đồng thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng.
Theo đó, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, cho rằng giá cổ phiếu sẽ về quanh mốc 40.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cũng ở tầm giá với các ngân hàng như VPBank hay HDBank hiện nay.
Trong khi thị trường có nhịp điều chỉnh của mình, đại diện Techcombank cho rằng việc niêm yết trong bối cảnh thị trường chung đi xuống chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. “Sự lên xuống giá cổ phiếu cũng do thị trường quyết định, Ngân hàng chỉ biết làm tốt nhất để nâng cao giá trị hoạt động”, ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Techcombank, cho biết.