Ngay tháng đầu năm 2012, Vinamilk đạt doanh thu xuất khẩu 22,3 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, doanh số xuất khẩu sản phẩm sữa đặc có đường tăng 33 lần, sữa chua Vinamilk tăng 1,87 lần, bột dinh dưỡng Ridielac tăng 2 lần, sữa tươi tăng 4 lần, đặc biệt là sữa bột trẻ em Dielac tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Về diễn biến giá, VNM là một trong những cổ phiếu hiếm hoi trên thị trường chứng khoán tăng giá khá ổn định trong năm 2011. Theo đó, vào thời điểm đầu năm 2011, thị giá cổ phiếu VNM chỉ dao động quanh mốc 60.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu tăng đều qua từng tháng và có thời điểm đạt trên 90.000 đồng/cổ phiếu. Cuối tháng 12/2011, cổ phiếu VNM có điều chỉnh giảm về mốc 80.000 đồng/cổ phiếu, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, cổ phiếu này lại phục hồi trở lại và đang tiến tới mốc gần 90.000 đồng/cổ phiếu. Nếu xét về thị giá cổ phiếu trên thị trường, hiện cổ phiếu VNM có giá cao thứ 2 trong số các cổ phiếu niêm yết trên cả 2 sàn Hà Nội và TP.HCM (chỉ thấp hơn cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vincom).
Theo đại diện Vinamilk, năm 2012, mục tiêu của Vinamilk là tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm thêm thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Vinamilk đang có tham vọng trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.
Vinamilk cũng đang tiến hành đợt mua cổ phiếu quỹ đầu tiên trong năm 2012. Theo đó, dự kiến đến hết tháng 2, Vinamilk sẽ hoàn tất việc mua lại cổ phiếu quỹ với khối lượng đăng ký mua lại dự kiến trong đợt này là 50.870 cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận.
Theo kết quả kinh doanh của Vinamilk trong năm 2011, Công ty đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 2.400 tỷ đồng, tăng 37% về doanh thu và tăng 38% về nộp ngân sách so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu của Công ty năm 2011 đạt trên 140 triệu USD, tăng 72% so với năm 2010, Vinamilk đã đạt doanh số xuất khẩu cao nhất kể từ khi thành lập đến nay.
Con số doanh thu trên đã giúp Vinamilk chính thức gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp sữa lớn của châu Á – Thái Bình Dương (doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô doanh số dưới 1 tỷ USD).
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, dù Vinamilk đang chiếm lợi thế tuyệt đối trên thị trường khi duy trì được vị trí số 1 từ trước tới nay, nhưng không vì thế mà không có rủi ro. Một trong những rủi ro đã từng diễn ra tại các thị trường trong khu vực là khả năng các hãng sữa nội sẽ bị “đè bẹp” bởi các tập đoàn sữa đa quốc gia. Tại Trung Quốc, các công ty sữa nội địa đứng đầu đang là đối tượng thâu tóm của các tập đoàn sữa đa quốc gia. Trong khi đó, tại Thái Lan, 3 hãng sữa nước ngoài chiếm thị phần chi phối, công ty sữa nội địa lớn nhất là Thaidairy Industry Co., chỉ đứng thứ 4, với thị phần 10%.