KQKD trái chiều
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong 6 tháng đầu năm khá tích cực. Cụ thể, sản xuất đạt 11,74 triệu tấn (tăng 24,8%), sản lượng bán hàng đạt 10,61 triệu tấn (tăng 36,2%). Đồng thời, giá bán thép xây dựng trong nước nửa đầu năm duy trì ổn định ở mức cao, khoảng 13,2-13,5 triệu đồng/tấn. Với tình hình tiêu thụ khả quan này, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp ngành thép đều tăng tốt so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng cao đều có sự cải thiện biên lợi nhuận và tiết giảm chi phí sản xuất, như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Thép Pomina (POM), CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) và CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS). Đơn cử là HPG, với doanh thu lũy kế 6 tháng đạt 27.595 tỷ đồng (tăng 30%), lợi nhuận sau thuế đạt 4.425 tỷ đồng (tăng 27%).
Tương tự, POM báo lãi sau thuế tăng 174% (đạt 164 tỷ đồng) do doanh thu thuần tăng 52%, biên lãi gộp cải thiện từ 6,17% lên 7,1%. Trong khi đó, SMC ghi nhận kết quả khả quan sau nhiều quý suy giảm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu SMC tăng 40% (đạt 8.155 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 161,2 tỷ đồng (tăng 3,4%).
Thế nhưng, trong bối cảnh tưởng chừng hết sức thuận lợi, KQKD của các doanh nghiệp thép niêm yết lại có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu (giá thép phế liệu và phôi thép) tăng cao so cùng kỳ năm trước. Đây đa phần là doanh nghiệp chưa ổn định được chi phí (hàng tồn kho giá cao) khiến lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ 2017. Có thể kể đến là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Việt Ý (VIS), CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP Thép Tiến Lên (TLH).
Cụ thể, doanh thu của HSG tăng 43% nhưng giá vốn tăng mạnh, khiến lãi gộp giảm xuống chỉ còn 1.031 tỷ đồng (giảm 6%), biên lãi gộp cũng giảm từ 15% xuống 10%. Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất của HSG kể từ quý III-2014 tới nay. Gánh nặng giá vốn tăng cao cũng khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của NKG giảm 34% so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý II, NKG đạt 4.291 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 39%) nhưng giá nguyên liệu đầu vào cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 9% (đạt 309 tỷ đồng). Tuy nhiên, gây thất vọng nhất trong quý II là VIS khi lỗ ròng 68 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, VIS lỗ 66 tỷ đồng, trong khi mục tiêu cả năm 2018 lãi 90,4 tỷ đồng.
KQKD đè giá CP
Mới đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) phát đi thông báo tìm kiếm đơn vị thẩm định giá trị các khoản nợ trị giá khoảng 570 tỷ đồng để có cơ sở đưa ra mua bán. Mặc dù trong thông báo của VAMC không ghi rõ tên cá nhân và tổ chức liên quan đến khoản nợ trên, nhưng địa chỉ của tài sản thế chấp lại trùng khớp với địa chỉ hiện tại trụ sở của CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA). Thông tin này gây choáng váng cho giới đầu tư, bởi HLA là tên tuổi khá quen thuộc trên thị trường thép Việt Nam.
Trong những năm gần đây, do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đến cuối quý I-2018, HLA ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 1.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.311 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền 1.531 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến CP HLA bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE từ năm 2015. Sau đó, CP HLA lên giao dịch trên UPCoM nhưng cũng bị hạn chế giao dịch vì không khắc phục được tình trạng thua lỗ. Đến phiên giao dịch cuối tuần qua, HLA chỉ còn giao dịch ở mức giá 300 đồng/CP.
Không rơi vào tình trạng bi đát như HLA nhưng CP của các doanh nghiệp như HSG hay VIS cũng khiến nhiều cổ đông đứng ngồi không yên, khi giá CP liên tục suy giảm do ảnh hưởng từ KQKD không như kỳ vọng. Theo thống kê, HSG đã giảm hơn 50% giá trị trong vòng 3 tháng gần đây, từ 22.000 đồng/CP (giữa tháng 4) xuống chỉ còn hơn 10.850 đồng/CP (phiên giao dịch cuối tuần qua). Tương tự, NKG giảm 57% (tính luôn cả phiên điều chỉnh phát hành CP tăng vốn), VIS giảm hơn 17%, TLH giảm hơn 20%. Phía ngược lại, CP của những doanh nghiệp như HPG, TIS hay SMC diễn biến khá tích cực, dù phải đối mặt với các phiên điều chỉnh chung của thị trường.