Giữa giai đoạn biến động với nhiều đợt điều chỉnh rất mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK), hàng loạt cổ phiếu “ông lớn” khiến nhà đầu tư “cháy” tài khoản. Tuy nhiên vẫn có những cổ phiếu tăng gấp 5-7 lần giá trị, giúp túi tiền nhà đầu tư tăng gấp nhiều lần từ đầu năm đến nay.
“Ăn” bằng cổ phiếu nhỏ
Thống kê trên cả 3 sàn giao dịch chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM, từ đầu năm đến nay có 13 cổ phiếu tăng trên 100% giá trị. 9/13 mã này tập trung tại sàn UPCoM.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nửa đầu năm nay là TBT của Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông Bến Tre. Hiện chỉ được giao dịch với giá 2.500 đồng/cổ phiếu, nhưng so với giá chỉ 400 đồng hồi đầu năm, TBT đã tăng đến 525% giá trị, chỉ trong 6 tháng.
Kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trụ điện, cọc bê tông phục vụ công trình giao thông, thủy lợi… kết quả kinh doanh của TBT đang gặp rất nhiều khó khăn khi công ty đã lỗ ròng hàng chục tỷ đồng từ năm 2014. Đây là lý do khiến thị giá cổ phiếu này tăng rất mạnh nhưng mới chỉ đạt 1/4 mệnh giá.
TBT có thanh khoản rất thấp với nhiều phiên liên tiếp không có cổ phiếu nào được giao dịch. Những phiên xuất hiện thanh khoản cũng là những phiên thị giá TBT tăng, giảm kịch biên độ với khối lượng rất nhỏ.
Những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất nửa đầu năm qua chủ yếu niêm yết trên UPCoM
Cũng giao dịch trên UPCoM và có mức tăng lên tới 380% từ đầu năm, cổ phiếu DSC của Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng xếp vị trí thứ 2 về mức tăng thị giá trên TTCK nửa năm qua. Hiện, DSC được giao dịch ở mức 57.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá tham chiếu hồi đầu năm chỉ gần 12.000 đồng.
DSC cũng là công ty chứng khoán mới niêm yết từ đầu năm và đã sở hữu hàng chục phiên tăng liên tiếp.
Đà tăng của DSC chủ yếu đến từ tham vọng phát triển và lợi nhuận của công ty trong năm 2018. Cụ thể, với số vốn chỉ 60 tỷ đồng, năm 2017 công ty này thu về gần 11 tỷ lãi ròng. Năm 2018, công ty kế hoạch sẽ thu về tới 62,5 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 5 lần so năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 50 tỷ đồng, DSC đồng thời có kế hoạch tăng vốn lên 140 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu khác trên UPCoM cũng sở hữu mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm như Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (NS3) tăng 224%; Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội (ASD) tăng 214%; Công ty cổ phần mạ kẽm công nghiệp Vingal – Vnsteel (VGL) tăng 170% hay Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Vinaconex (VCT) tăng 153%…
TTCK Việt biến động rất mạnh từ đầu năm 2018 đến nay. Nguồn: VNDirect.
Trong khi đó, trên sàn HOSE, nửa đầu năm qua chỉ duy nhất HOT của Công ty cổ phần Du lịch – Dịch vụ Hội An có đà tăng trên 100% thị giá. Hiện cổ phiếu này được giao dịch quanh ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi so với đầu năm. Đây là chính là chủ sở hữu của khách sạn đầu tiên tại Hội An. Hiện công ty cũng sở hữu 2 khách sạn lớn tại thành phố này cùng với Khu du lịch Biển Hội An và Khu nghỉ dưỡng Tam Thanh nổi tiếng.
Chủ sở hữu của HOT là Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam với 56,5% vốn, ngoài ra, đại gia Vũ Hiền – Thành viên HĐQT VNDirect cũng sở hữu tổng cộng trên 46% vốn HOT thông qua các công ty liên quan.
3 cổ phiếu có mức tăng trên 100% tại HNX lần lượt là Công ty cổ phần Alphanam E&C (AME) tăng 173%; Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) tăng 117% và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (TTZ) tăng 108%.
Tại sao lại là UPCoM?
Thống kêcho thấy thanh khoản, độ minh bạch của các cổ phiếu trên sàn UPCoM thấp hơn rất nhiều so với sàn HNX và HOSE, nhưng đây luôn là nơi cổ phiếu có thị giá tăng cao nhất niêm yết.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, sở dĩ các cổ phiếu trên sàn UPCoM có mức tăng nhanh một phần do quy định biên độ tăng/giảm tối đa với một mã cổ phiếu tại sàn này lên tới +/-15%/phiên, trong khi trên HNX là +/-10%/phiên và HOSE chỉ là +/-7%. Điều này khiến thị giá các cổ phiếu trên sàn này có thể tăng rất nhanh như trường hợp của TBT, DSC hay NS3…
Một chuyên gia tài chính cho hay ngoài yếu tố kỹ thuật, không loại trừ khả năng các cổ phiếu trên UPCoM tăng nhanh là do được làm giá.
Theo đó, các cổ phiếu trên sàn này thường kém hấp dẫn và ít được các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý chú ý. Ngoài ra, những điều kiện niêm yết trên sàn này thường kém minh bạch so với 2 sàn còn lại, nên rất dễ để “cá mập”, chủ doanh nghiệp thao túng giá.
“Không thiếu trường hợp làm giá cổ phiếu trên sàn UPCoM với những phiên tăng trần, giảm sàn liên tục. Nếu nhà đầu tư không trang bị kiến thức trước khi tham gia những thị trường như thế này, việc thua lỗ chỉ là sớm hay muộn”, vị này khẳng định.
Chuyên gia này cũng đánh giá thực tế dù minh bạch hơn nhiều so với UPCoM thì HNX và HOSE vẫn chưa cung cấp được đầy đủ và kịp thời thông tin tới các nhà đầu tư cá nhân, và rất nhiều cổ phiếu vẫn có hiện tượng thao túng giá.
“Trong cuộc chơi chứng khoán, nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn là người chịu thiệt thòi, do không nắm bắt được đầy đủ thông tin về doanh nghiệp cũng như thị trường. Họ luôn là người đi sau và chạy theo thị trường dẫn tới đầu tư không hiệu quả hoặc thua lỗ”, vị này nói.