Nghị định 107/2018/NĐ-CP, quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ tháng 10/2018, thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Thay đổi đáng chú ý nhất là điều kiện xuất khẩu gạo đã được nới lỏng.
Một số thay đổi chính được liệt kê dưới đây: Ngoài việc nới lỏng điều kiện xuất khẩu gạo, Nghị định 107/2018/ND-CP cũng giảm tỷ lệ dự trữ lưu thông tối thiểu từ mức 10% xuống mức 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó. Việc dự trữ lưu thông này nhằm mục đích bổ sung nguồn cung trong nước khi giá gạo nội địa tăng bất thường, bình ổn thị trường và bảo đảm an ninh lương thực.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể nhận thấy vẫn tồn tại những điểm cần lưu ý đối với chính sách này. Thứ nhất, cơ chế thực hiện hợp đồng xuất khẩu tập trung chưa được linh động. Hợp đồng xuất khẩu tập trung tuy chiếm tỷ trọng thấp hơn hợp đồng xuất khẩu thương mại nhưng lại có khả năng định hướng giá lúa gạo trên thị trường. Hiện tại, hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung được thực hiện thông qua sự chỉ định của Bộ Công thương (thương nhân đầu mối trực tiếp xuất khẩu 20% lượng gạo trong hợp đồng) và sự phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (các thương nhân ủy thác, xuất khẩu 80% số lượng gạo còn lại). Việc chỉ định, phân bổ này có thể dẫn đến rủi ro ở khía cạnh tổ chức quản trị thị trường.
Thứ hai, quy định về thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng chưa rõ ràng. Thương nhân chỉ xuất khẩu những loại gạo kể trên được hưởng một số ưu đãi như không cần đáp ứng các điều kiện về kho và nhà máy xay xát, không cần Giấy chứng nhận thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo và không cần dự trữ cho lưu thông. Quy định không nêu rõ yêu cầu “thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng” là chỉ một hợp đồng riêng lẻ hay toàn bộ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tác động của chính sách này sẽ không được sâu rộng nếu yêu cầu thương nhân chỉ xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao trong bối cảnh chúng chỉ chiếm trên 45% lúa được canh tác trong vụ hè thu năm 2018 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, cơ quan chịu trách nhiệm xác định và tiêu chuẩn các loại gạo kể trên cũng chưa được quy định rõ ràng.
Tựu trung lại, những thay đổi về mặt chính sách này được kỳ vọng sẽ làm cho hoạt động xuất khẩu gạo trở nên sôi động hơn kể từ quý IV/2018. Số lượng thương nhân xuất khẩu gạo, khối lượng, chủng loại và giá trị gạo xuất khẩu đều được kỳ vọng sẽ tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn vốn dĩ đã đáp ứng các điều kiện xuất khẩu gạo được quy định trong Nghị định 109/2010/ND-CP trước đây nên sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng lợi từ quy định mới do rào cản gia nhập giảm, có thể dẫn đến tăng cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu gạo. Nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng được kỳ vọng sẽ tăng thông qua các hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trong những cổ phiếu liên quan đến ngành gạo được các nhà phân tích theo dõi, duy chỉ có CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) là có khả năng hưởng lợi từ quy định mới này. Lộc Trời không bị ảnh hưởng bởi thay đổi quy định về kho và nhà máy xay xát do trước đó đã đáp ứng các điều kiện này. Điểm thuận lợi đối với LTG là với định hướng xuất khẩu gạo chất lượng cao, họ không phải thực hiện dự trữ lưu thông, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới.
Lợi thế được hưởng từ chính sách là có, song đối với việc đầu tư vào Lộc trời, nhà đầu tư vẫn cần có những bước đi thận trọng. Nói như vậy vì KQKD 6 tháng đầu năm 2018 của công ty này tăng trưởng khá chậm. Lợi nhuận sau thuế giảm 2% so với cùng kỳ và chỉ đạt 32% kế hoạch của cả năm. Tính đến thời điểm này dù được hưởng lợi thế từ những chính sách nêu trên, mảng lương thực-gạo đang cho thấy biên lợi nhuận gộp bắt đầu tăng trong 6 tháng đầu năm nhưng dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm. Chưa kể, chi phí quảng cáo dự kiến sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm, làm tăng chi phí bán hàng. Hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng mạnh, nhưng các khoản phải trả không tăng tương xứng. Do đó, LTG sử dụng nguồn vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động, làm tăng chi phí lãi vay…
Với những khó khăn hiện hữu, giới phân tích còn cho thấy sự thận trọng rất lớn ở việc định giá cổ phiếu này. Cụ thể, hai mảng kinh doanh chính của LTG là thuốc bảo vệ thực vật (thuốc BVTV) và lương thực – gạo không có triển vọng quá khả quan trong 5 năm tới. Thuốc BVTV, mảng đóng góp chính cho hoạt động kinh doanh của LTG có khả năng duy trì biên lợi nhuận gộp cao nhưng tiềm năng tăng trưởng doanh thu không nhiều. LTG sở hữu sản phẩm gạo chất lượng cao nhưng cần thời gian để thâm nhập thị trường. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu sẽ cần thêm thời gian và chi phí để thực sự hiệu quả. Do đó, các nhà làm chuyên môn cho rằng khả năng tăng trưởng trong trung hạn của LTG sẽ bị hạn chế.
Hiện giới này cũng ước tính giá hợp lý của LTG ở mức 39.500 đồng/CP, kết hợp với cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/CP cho ra tỷ suất sinh lời kỳ vọng 12% thì chỉ khuyên nhà đầu tư nên tích lũy lâu dài chờ cơ hội thay vì chọn đầu tư ngắn hạn…