Phân hóa mạnh
Một thời, CP NH được xem như chỉ báo của TTCK, nhưng khoảng từ đầu năm đến nay, “quy luật” này đang trở nên vô hiệu. Bên cạnh đó, hiếm khi nào nhóm CP NH tăng theo dây, tức là mã này tăng thì mã kia tăng, mà lại phân hóa rõ nét, CP nào tăng là do NH đó có những thông tin tác động.
Hệ quả tích cực là CP NH vẫn theo chiều hướng tăng mặc dù thị trường có những đợt sụt giảm. Tháng 7 VN Index giảm từ 430 điểm về 400 điểm, nhưng VCB (Vietcombank) lại tăng khá “bốc” do những thông tin về việc NH này chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Nhưng vài tháng trở lại đây, mọi việc trở nên khó đoán định hơn cũng như hạn chế sự tham gia của NĐT.
Một thời NĐT nói với nhau cứ quan sát cung cầu, biến động của STB (Sacombank) sẽ biết ngay diễn biến thị trường. Nhưng hôm qua, VN Index giảm 2,41 điểm, KLGD lên đến hơn 81 triệu đơn vị, nhưng STB lại tăng giá 100 đồng/CP lên 14.100 đồng/CP và chỉ có hơn 1,6 triệu CP khớp lệnh.
Việc STB tăng giá trong thời gian trước đó theo nhiều NĐT có kinh nghiệm và một số chuyên gia là do những tin đồn liên quan đến việc thâu tóm NH này chứ không phải do KQKD. Khi thị trường có một số phiên hồi phục, do thông lệ CP NH không thể tăng mạnh, nếu có tăng cũng chỉ vài trăm đồng mỗi phiên, NĐT sẽ chủ động chọn những mã theo tiêu chí giảm sâu, bật mạnh để gỡ gạc hoặc tranh thủ cơ hội sinh lời.
Xu hướng mới
Nhưng nói như vậy không có nghĩa CP NH hết thời, mà đây là giai đoạn chuyển tiếp, định hình một xu hướng mới. Những năm gần đây, thị trường tài chính – tiền tệ liên tục diễn biến phức tạp và khó khăn, nhưng nhiều NH vẫn ăn nên làm ra, bên cạnh đó, trong mắt NĐTNN 3 ngành NH – bảo hiểm – tiêu dùng luôn được đánh giá rất cao. Và tại những thời điểm “nhá nhem”, CP không rõ xu hướng, mới chỉ là lúc để đạt mức sinh lời cao nhất và NĐT cần phải tỉnh táo để chọn CP.
Khi SHB (NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội) chào sàn vào tháng 4-2009, không ít ánh mắt nghi ngại đã đổ về CP này, vì so với ACB, STB, thì SHB thuộc hàng “chiếu dưới”. Tuy nhiên, CP này sau đó vẫn tăng mạnh và KQKD theo đó cũng cải thiện dần theo hướng tích cực. 5 năm qua, SHB có tốc độ tăng trưởng tài sản vượt bậc với tỷ lệ trung bình lên đến 60%/năm, trong khi đó vốn chủ sở hữu của NH này cũng tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ trung bình hơn 24%/năm.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận (LN) trước thuế của SHB đạt 411 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2010. So với cách đây 1 tháng, SHB đã tăng giá từ 6.800 đồng/CP lên mức 8.800 đồng/CP, xấp xỉ gần 30%. Điều này cho thấy chỉ cần CP có mức định giá hấp dẫn, thị trường sẽ không bỏ qua.
Ấn tượng nhất trong thời gian qua chính là CTG (VietinBank), đang hội tụ đủ những điều kiện để trở thành một con át chủ bài trong nhóm CP NH. Không như VCB chào sàn và khiến không ít cổ đông “đau thương”, sau khi CTG chào sàn những cổ đông mua CP này trong đợt IPO đã có lãi. Trước những tuyên bố có phần mạnh miệng và cứng rắn của ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT CTG, nhiều người tỏ ra ngờ vực và chưa tin tưởng.
Nhưng KQKD của CTG trong khoảng 1 năm trở lại đây đã đảo ngược quan điểm, NĐT ghi nhận ông Hùng nói được làm được, ông trở thành một trong những vị lãnh đạo nổi bật nhất của các NH niêm yết trên TTCK. 6 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận ròng của CTG đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2010, góp phần củng cố niềm tin của cổ đông dành cho CTG – điều đặc biệt quan trọng khi thị trường khó khăn.
CTG cũng đã có chào bán 10% cổ phần cho đối tác chiến lược là IFC. Điều này cho thấy khi những ông lớn như CTG “chịu làm” và có những đối tác chiến lược tốt, chỉ cần “kích” là hoạt động có thể chạy rất mạnh.
Cũng cần nhắc lại câu chuyện khi CTG chào sàn, nhiều người vẫn giữ quan điểm NH này thua kém VCB ở một số mặt, nhưng đến thời điểm này, CTG đã ngang bằng, thậm chí nổi trội. Về giá CP, hiện CTG nhận được 2 lực hỗ trợ: lực mua từ những NĐT dài hạn (do KQKD khả quan) và lực mua ngắn hạn (do các ETF).
Trong khi đó, VCB vẫn tỏ ra khá im ắng chứ chưa thực sự “bung” hết sức. Việc CTG có một số phiên giảm trong thời gian qua phần nhiều do yếu tố cung cầu, nhưng chỉ cần về một mức giá hợp lý (dao động trong vùng giá 2.4-2.5) lực mua sẽ tăng mạnh. Trong quý III, nếu CTG vẫn tiếp tục công bố KQKD khả quan, việc CP có thể vượt qua mức giá 3.0 và tiến đến 3.2 không có gì khó khăn.
Rõ ràng đầu tư CP NH hiện nay đòi hỏi nhiều chất “trí tuệ” hơn khi trước. Thời mua CP NH theo sóng có lẽ đã kết thúc và cần những sự lựa chọn hợp lý, sáng suốt hơn.