Sau giai đoạn thị trường điều chỉnh trong tháng 4 và 5, VN-Index cùng các chỉ số đã có sự hồi phục trở lại. Cổ phiếu ngân hàng tuy có mức điều chỉnh đáng kể, nhưng hiện vẫn giữ được “phong độ”, tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD thực thi kế hoạch phát hành mới.
Cơ cấu cổ đông của Eximbank, HDBank, TPBank và SCB.
Tăng tỷ lệ sở hữu theo kế hoạch phát hành
Tại TP Bank, ngân hàng vừa lên sàn tháng 4/2018, room ngoại hiện nay đã kín. TPBank đang có kế hoạch phát hành 87,6 triệu cổ phần riêng lẻ, tương đương 15% vốn điều lệ. Trong đó, nhóm cổ đông Nhật Bản đã đồng loạt đăng ký mua và sở hữu thêm 17,4 triệu cổ phần TPBank; nếu mua thành công, tỷ lệ nắm giữ sẽ không thay đổi.
Như vậy, TPBank là 1 ví dụ điển hình cho thấy với các cổ đông tổ chức đầu tư chiến lược, việc ngân hàng có kế hoạch phát hành thêm cổ phần riêng lẻ, thường sẽ là điều kiện cần để các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Tại Eximbank, đại diện của Sumitomo Mitsui Banking, ông Yutaka Moriwaki, thành viên HĐQT Eximbank cho biết hiện ngân hàng này chưa có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ, song trong trường hợp có, Sumitomo sẵn sàng rót thêm vốn mua và giữ nguyên hoặc tăng tỷ lệ sở hữu EIB.
Giữ nguyên tỷ lệ hoặc gia tăng tỷ lệ hiện hữu, cũng là trường hợp mà khối ngoại đã, đang lựa chọn với cổ phiếu HDB của HDBank kể từ khi ngân hàng này lên sàn. Sau IPO cho đối tác ngoại, HDBank tạm chốt tỷ lệ sở hữu cổ đông ngoại ở 21%, theo đó room ngoại vẫn còn xấp xỉ 10%. Song trong các tháng thị trường điều chỉnh, HDB là một trong những cổ phiếu mà khối ngoại thay vì bán, đã tăng mua. Hiện tỷ lệ nắm giữ HDB của khối ngoại đang dao động quanh mức 27%.
Ông Lê Thành Trung, Phó TGĐ HDBank cho biết theo kế hoạch sáp nhập PGBank với tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1:0,62, ngân hàng này đang thực thi các thủ tục và dự kiến, sau sáp nhập, room ngoại sẽ xuất hiện thêm 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Ngân hàng cũng sẽ nới thêm room ngoại cho nhà đầu tư.
Tiếp tục “thắp đuốc” chọn đối tác chiến lược
Cùng với các ngân hàng đã có đối tác ngoại gắn bó hiện hữu hoặc chào đón nhà đầu tư ngoại, thị trường ngân hàng cũng đang có những tổ chức tiếp tục lên kế hoạch chọn đối cổ đông – đối tác chiến lược lớn, dài hạn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), hợp nhất của 3 ngân hàng, trong giai đoạn tái cơ cấu 2015 đã trình NHNN cho phép bán tới 50% cổ phần cho đối tác ngoại. Đến nay, SCB đã có cổ đông ngoại sở hữu 29,696% vốn điều lệ, trong đó cổ đông tổ chức nắm 19,727%. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, TGĐ SCB, ngân hàng vẫn đang có kế hoạch bán cổ phần cho đối tác gắn bó cùng đồng hành để tạo động lực phát triển hơn. SCB cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn vào 2019. Giới phân tích cho rằng room 20% sẽ là điểm đáng được khối ngoại chú ý tại SCB.
“Với nhà đầu tư tổ chức là định chế tài chính, một khi đã hợp tác chiến lược, thì việc tăng mua để sở hữu cổ phần tỷ lệ lớn cũng sẽ được các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ưu tiên. Do đó, thị trường, dù thuận lợi hay không, sẽ còn chứng kiến cảnh nhộn nhịp nhà đầu tư ngoại hướng về cổ phiếu vua và ngược lại”, một chuyên gia ngân hàng dự báo.