Nếu như năm ngoái, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự hồi phục khá tốt sau nhiều năm lận đận, thì năm nay có thể sẽ là năm bản lề để cổ phiếu ngân hàng tăng tốc cất cánh khi hoạt động ngân hàng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng vững chắc; tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hanh thông.
Điển hình như tại ACB, lợi nhuận ròng quý I tăng trưởng đến 140% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.144 tỷ đồng. Có được kết quả này, một phần cũng nhờ chất lượng tài sản của ngân hàng, hiệu quả hoạt động được cải thiện đáng kể.
Nếu như nợ xấu đang là nỗi đau đầu của nhiều ngân hàng thì ở ACB, áp lực này dường như đã vơi bớt rất nhiều sau khi triển khai chiến lược thận trọng tài chính (financial prudence) trong thời gian qua. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I/2018 của ngân hàng chỉ đứng ở mức 0,71% – mức thấp so với trung bình toàn ngành. Tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản sinh lãi cũng giảm xuống mức 1%.
“Chi phí trích lập dự phòng trong kỳ đạt 134 tỷ đồng, tương đương với chi phí tín dụng chỉ ở mức 0,4%. Mức này tương đương với chi phí tín dụng của ACB trong giai đoạn 2008-2011 và là mức rất thấp so sánh với các ngân hàng trong nước (1,12%). Ngoài ra, tương tự như các ngân hàng khác trong kỳ, ACB cũng ghi nhận một khoản lợi nhuận từ việc hiện thực hoá danh mục chứng khoán đầu tư trong bối cảnh lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp”, SSI nhận định.
Đặc biệt, việc gỡ bỏ chi phí trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC và dư nợ liên quan đến nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên được cho là sẽ giúp lợi nhuận của ACB tiếp tục khởi sắc trong năm nay.
“Giai đoạn 2012-2017 đã cho thấy ACB là ngân hàng có quản trị tốt và minh bạch, do đó, chất lượng tài sản của ngân hàng hiện nay được chúng tôi đánh giá rất cao. Với chất lượng tài sản tốt, chi phí tín dụng của ngân hàng dự báo sẽ duy trì quanh mức 0,5% – 0,6% trong năm 2018 và nhờ đó giúp lợi nhuận có thể tăng trưởng ổn định và bền vững hơn”, SSI nhận định. Từ đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị với nhà đầu tư nên quan tâm tới cổ phiếu của ngân hàng này.
Bên cạnh ACB, thị trường tài chính còn đang chứng kiến một ngôi sao đang lên khác là TPBank. TPBank là một trong số ít các ngân hàng tư nhân nhận được các khoản đầu tư từ các tập đoàn tài chính hàng đầu trong và ngoài nước như ngân hàng đầu tư nổi tiếng Softbank (Nhật), quỹ SBI Ven Holdings hay sắp tới đây có thể là quỹ PYN Elite Fund của Phần Lan.
Sự chuyển mình của TPBank theo chiến lược số hóa theo kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 của TPBank đã thuyết phục được các đối tác chiến lược tham gia và ngược lại, với sự trợ lực về tài chính, kinh nghiệm quản trị theo các thông lệ quốc tế từ các đối tác, TPBank đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để có thể tăng tốc phát triển, định vị được thương hiệu trong kỷ nguyên mới.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2018 sẽ là năm chủ lưu của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng. Đó là nhờ hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hiệu quả, kéo theo diễn biến tích cực về mặt doanh thu. Đồng thời năm nay đã và sẽ chứng kiến làn sóng niêm yết của một loạt NHTMCP tư nhân như Techcombank, OCB, HDBank, TPBank, MaritimeBank, SeABank, ABBank….
Kỳ vọng bứt phá càng lớn hơn sau khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên mức BB với triển vọng ổn định. Hãng này cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay và nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo Công ty chứng khoán KIS, bước đi của Fitch có thể kéo theo việc nâng hạng cho Việt Nam từ các hãng tín nhiệm khác như S&P và Moody’s, đồng thời hãng Morgan Stanley Capital International cũng đang xem xét nâng hạng cho Việt Nam lên mức thị trường mới nổi từ vị trí cận biên, điều sẽ kích thích thêm dòng tiền mới đổ vào Việt Nam.