Đánh giá về cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm nay, hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết cho rằng sẽ tăng trưởng và có khả năng sinh lời tốt nhất thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm là rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng nên nắm giữ ngắn hạn hay đầu tư dài hạn?
Dẫn dắt thị trường
Nhìn lại thị trường có thể thấy, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành ngân hàng là yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán lập đỉnh mới.
Thống kê của công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, tính riêng cả quý I, chỉ số Vn-Index và HNX-Index tăng lần lượt 19,3% và 12,8%; giá trị giao dịch đạt mức tăng vượt trội 129% và 166% so với cùng kỳ.
Đa số các ngành tăng trưởng mạnh nhất đều có vốn hóa lớn, trong đó tăng trưởng nổi bật nhất thuộc về nhóm ngành ngân hàng (40,4%) với diễn biến tăng đồng đều ở tất cả các mã trong ngành như BID (BIDV), CTG (VietinBank), VCB (Vietcombank), MBB (MB), VPB (VPBank)…
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục tích cực, kết quả kinh doanh của ngân hàng khả quan, nợ xấu đang được tích cực xử lý. Vì vậy, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư quan tâm khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng nên “lướt sóng” hay cần có chiến lược dài hơi?
Theo công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm ngân hàng là những ứng cử viên có thể xem xét cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn (theo các nhịp dao động của thị trường).
VDSC phân tích, sau khi lập đỉnh ở quý I/2018, trong tháng 4, cổ phiếu ngân hàng đã giảm 14, sang tháng 5 mức giảm là 11%.
Yếu tố hỗ trợ cho nhóm này sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2018. Kết quả kinh doanh quý I đã phần nào chỉ báo sớm cho điều này.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng niêm yết (trên HSX, HNX, UPCoM) đạt lần lượt 56,34 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và 20,13 nghìn tỷ đồng, tăng 52%.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý I của ACB đạt 151%, BID: 9%, CTG: 19%, EIB: 229%, KLB: 2%, MBB: 73%, SHB: 64%, STB: 63%, VCB: 59%, VPB: 36%, HDB: 170%, TPB: 139%, VIB: 230% và LPB: 8%.
Kết quả này tương đương với 23% – 27% kế hoạch năm 2018, trong khi quý I thường là mùa thấp điểm của các ngân hàng. Do đó, VDSC cho rằng: “Nhiều ngân hàng sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra trước thời điểm kết thúc năm tài chính” và đưa ra nhận định cổ phiếu ngân hàng có thể được xem là cơ hội tốt khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II diễn ra.
Nên đầu tư dài hạn
Tuy nhiên, trái với nhận định của VDSC, một số chuyên gia lại cho rằng khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, vì thời gian tới, nhóm này sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô ổn định, nợ xấu đang được ráo riết xử lý, kết quả kinh doanh của các nhà băng được kỳ vọng có sự bứt phá mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Chuyên gia kinh tế, Ts. Alan Phạm, cho rằng khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn khoảng 2-3 năm.
Theo dõi thị trường từ đầu năm đến nay có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết không thường xuyên có những đợt tăng giá mạnh. Cổ phiếu của nhóm ngân hàng lớn có xu hướng tăng, trong khi cổ phiếu của một số ngân hàng nhỏ có sự bứt phá không đáng kể, thậm chí có thời điểm giảm.
Thực tế, sự phân hóa này là dễ hiểu bởi các ngân hàng đang trong giai đoạn cuối của quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, nên nhà đầu tư tính toán kỹ khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá ngành ngân hàng đang có những chuyển biến tích cực, tín hiệu khả quan này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Vì vậy, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu ngân hàng dài hạn, tức dùng tiền của mình để hỗ trợ cho ngân hàng kiếm lời, qua đó nhà đầu tư hưởng lợi từ việc cổ phiếu ngân hàng mạnh lên và được chia cổ tức, không nên đầu tư theo kiểu “lướt sóng” bởi sẽ rất rủi ro.
“Khi đầu tư, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ ngân hàng mình định rót tiền, xem kỹ báo cáo tài chính, thường xuyên theo dõi hoạt động của ngân hàng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Tuy vậy, vẫn có một số nhà đầu tư cho rằng họ sẽ đầu tư cổ phiếu ngân hàng để “lướt sóng”, khi giá tăng để bán chốt lời, và khi giảm lại mua vào.