Sắp tới, thị trường chứng khoán Việt sẽ chào đón nhiều tân binh, trong đó có những tên tuổi khá “ồn ào” trước khi lên sàn như cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest, được quảng cáo như một “làn gió mới” của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản.
Nhiều “hàng” mới lên sàn
Đầu năm 2018, sự khởi sắc mạnh mẽ của thị trường chứng khoán với thanh khoản liên tiếp lập kỷ lục mới đã khích lệ nhiều doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn và có thể tạm coi là thành công như: HDBank, TPBank, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST)…
Sau quý I khởi sắc, thị trường chứng khoán Việt đã trải qua nhiều biến động, với diễn biến xấu kéo dài từ đầu quý II tới nay, thị trường vẫn tiếp tục đón nhiều cái tên mới.
Đầu tháng 7, CTCP 26 đã chính thức đưa 5 triệu cổ phiếu X26 lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 28.800 đồng/cp.
Cũng trong đầu tháng 7, một công ty quân đội khác đã “đổ bộ” lên sàn UPCoM là CTCP Đầu tư và Xây dựng 319.2 với mã chứng khoán là DX2. Theo đó, hơn 4,95 triệu cổ phiếu DX2 chính thức lên sàn ngày 4/7, với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 10.100 đồng/cp.
Ngày 13/7, sàn UPCoM tiếp tục chào đón 18,27 triệu cổ phiếu CDP của CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng/cp.
Lịch niêm yết mới tại các Sở GDCK trong tháng 7 vẫn chưa dừng lại. Đáng chú ý nhất phải kể đến cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) sẽ chào sàn HoSE vào ngày 24/7 tới.
Theo đó, hơn 150 triệu cổ phiếu HPX sẽ giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày đầu tiên 26.800 đồng/cp, với mức giá này, vốn hóa ngày chào sàn của Hải Phát Invest đạt 4.020 tỷ đồng.
Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư, lãnh đạo Hải Phát Invest cho biết mức giá 26.800 đồng/cp là mức giá khá sát với giao dịch cổ phiếu HPX trên thị trường OTC và thấp hơn so với mức giá mà công ty được tư vấn là khoảng 4x trước đó.
Thông qua việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tháng 12/2017, Hải Phát Invest đã tăng vốn từ 1.200 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Được biết, ngay sau khi niêm yết cổ phiếu, Hải Phát Invest sẽ tiếp tục tiến hành tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của CTCP Nước sạch Hòa Bình.
Theo đó, gần 6,7 triệu cổ phiếu của CTCP Nước sạch Hòa Bình sẽ chào sàn UPCoM vào ngày 18/07/2018 với mã chứng khoán HBW. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 27.100 đồng/cp.
Trên thực tế, không phải chờ đến lúc lên sàn, nhiều cổ phiếu đã được giao dịch khá sôi động trên OTC, hiệu ứng đầu cơ OTC bắt nguồn từ việc nhiều cổ phiếu mới niêm yết đã tạo ra khoản lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian ngắn.
Thị trường OTC bắt đầu sôi động từ năm 2017, cùng với chủ trương đẩy mạnh việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, IPO kết hợp với niêm yết trên thị trường chứng khoán, khiến thị trường “chợ đen” này càng hấp dẫn, đặc biệt những cổ phiếu sắp lên sàn đều có mức tăng ấn tượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán cũng cảnh báo nhiều nhà đầu tư phải hết sức lưu ý với những cổ phiếu mới lên sàn, bởi khi đó, cung cầu thị trường chưa phản ảnh đầy đủ giá trị doanh nghiệp.
Cơ hội hay rủi ro?
Thời gian qua, không ít cổ phiếu mới lên sàn đã mang lại “trái đắng” cho giới đầu tư nhỏ lẻ bởi có hiện tượng tạo cung – cầu ảo, đẩy lên quá cao trước khi cổ phiếu đó lên sàn.
Có thể lấy ví dụ như cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1, khi thị giá cổ phiếu này đã giảm 28,5% từ mức đỉnh 343.000 đồng/cp (phiên 28/6), xuống 245.000 đồng/cp (phiên 16/7).
Mặc dù trước khi lên sàn, Yeah1 được đánh giá là cổ phiếu cơ bản với triển vọng kinh doanh tích cực nhưng việc các cổ phiếu này điều chỉnh sâu có lẽ cũng không quá khó hiểu bởi mức định giá hiện đã quá cao.
Cũng được đánh giá là tiềm năng, hai “con cưng” của Bộ Quốc Phòng là X26 và DX2 lại mang lại sự thất vọng cho giới đầu tư. Kể từ khi chào sàn, X26 đã liên tiếp giảm, DX2 rơi vào tình trạng hoàn toàn không có giao dịch.
Về những cổ phiếu mới chào sàn, sắp chào sàn, nhà đầu tư cần lưu ý đến những “chiêu trò” trước khi lên sàn của doanh nghiệp, đặc biệt là “chiêu” phát hành cổ phiếu tăng vốn và tăng vốn “thần tốc”.
Trong nhiều trường hợp, khi doanh nghiệp tăng vốn thật trên TTCK và sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông sẽ tạo động lực thúc đẩy. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thực hiện tăng vốn “ảo” sẽ là một rủi ro không nhỏ đối với các nhà đầu tư trên thị trường.
Theo một chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu mới niêm yết trên sàn chứng khoán không dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ vì thực chất không biết đâu là giá trị thực của cổ phiếu này. Sân chơi ở nhóm cổ phiếu mới lên sàn chỉ dành cho các nhà đầu tư nội bộ hoặc các tổ chức tài chính, tổ chức nước ngoài vì họ có khả năng định giá các cổ phiếu này.