Cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La có mức tăng trưởng tốt nhiều năm qua. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu này đã giảm 47,8% thị giá, vốn hoá thị trường từ mức trên 1.450 tỷ đồng, giảm xuống chỉ còn 766 tỷ đồng.
SLS đã rơi từ vùng đỉnh 156.880 đồng/ cổ phiếu hồi đầu tháng 1 xuống còn 82.000 đồng/ cổ phiếu (phiên giao dịch 28/3). Trong tuần giao dịch gần đây, cổ phiếu SLS đã có ba phiên giảm sàn và luôn trong tình trạng “trắng bên mua”.
Cổ phiếu lao dốc
Trước tình hình “tồi tệ” của giá cổ phiếu, ban lãnh đạo SLS đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư, lý giải cổ phiếu giảm là do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi giá đường trên thị trường xuống thấp.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cũng gia tăng áp lực cho ngành đường. Với việc bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối với sản phẩm đường, đường nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu sẽ tăng cao và gây khó cho đường nội.
Chưa kể, thị trường nội địa sẽ xuất hiện thêm nhà sản xuất, kinh doanh đường lớn là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), khi công ty này hoàn thành thương vụ mua 65% vốn của CTCP Đường Khánh Hòa.
Có đà giảm không kém SLS là cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum với mức giảm 43,1% từ mốc giá 35.200 đồng/ cổ phiếu hồi đầu năm, xuống còn 20.000 đồng/ cổ phiếu (28/3).
Cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn cũng giảm 26,2% từ vùng giá 12.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm xuống còn 9.150 đồng/ cổ phiếu tại phiên ngày 28/3. Tính riêng từ đầu tháng 3, cổ phiếu này đã có 12 phiên giảm giá trên 20 phiên giao dịch.
Trước đà giảm của cổ phiếu, ban lãnh đạo LSS quyết định mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn tiếp tục giảm giá ngay sau đó.
Không nằm ngoài đà lao dốc cổ nhóm cổ phiếu ngành mía đường, cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa đã giảm 27,1%, từ vùng giá 23.800 đồng/ cổ phiếu xuống còn 17.350 đồng/ cổ phiếu (phiên 28/3), vốn hóa “bốc hơi” gần 360 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2018.
Bà Đặng Huỳnh Ức My – Thành viên HĐQT – liên tục mua vào, hay công đoàn cơ sở của công ty cũng mua vào hơn 4,6 triệu cổ phiếu…nhưng cũng không cứu được đà giảm chung của cổ phiếu này.
Giai đoạn “cực kỳ khó khăn”
Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện cả nước đang có hơn 44 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến mía đường. Trong đó, có 5 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Cũng theo VSSA, các nhà máy đường trên cả nước đang tồn kho gần 400.000 tấn đường. Việc tiêu thụ vẫn gặp khó, do tác động từ Hiệp định ATIGA đã có hiệu lực từ 1/1/2018.
Ngành mía đường lâu nay vẫn có kết quả kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào giá đường. Do vậy, khi giá đường giảm, lập tức các công ty mía đường đang niêm yết đều sụt giảm kết quả kinh doanh.
Theo BCTC quý II niên độ tài chính 2017-2018 của LSS, tại ngày 31/12/2017, lũy kế hai quý đầu niên độ, LSS đạt 475 tỷ đồng doanh thu, giảm 44,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 12,4 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ.
SBT ghi nhận những tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong quý II niên độ tài chính 2017-2018 (tính từ 1/7/2017-30/6/2018). Nhưng thực chất tăng trưởng đến từ hạch toán kết quả hợp nhất với công ty TNHH MTV Thành Thành Công Biên Hòa (trước là Đường Biên Hòa – mã: BHS) sau khi hoàn thành sáp nhập.
SLS là doanh nghiệp duy nhất tăng trưởng tích cực trong bối cảnh hoạt động của ngành đi xuống._Riêng trong giai đoạn 1/10 – 31/12/2017, SLS đạt doanh thu 106 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 27,5 tỷ đồng lần lượt gấp 2,7 lần và 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công – công ty mẹ của CTCP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, đã từng đưa ra nhận định rằng đây là giai đoạn “cực kỳ khó khăn” của ngành sản xuất trong nước và sẽ kéo dài trong nhiều năm, bắt đầu từ năm 2018.
Nhận xét của ông Thành cũng trùng với đánh giá của nhiều chuyên gia. Theo đó, cổ phiếu ngành mía đường sẽ gặp khó khăn trong năm 2018, bất chấp định giá của các công ty vẫn còn hấp dẫn.
Hy vọng gần như duy nhất với ngành mía đường là Chính phủ đã quyết định vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 5%, giúp cho mặt hàng đường ổn định trong suốt giai đoạn 2018 – 2022.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành mía đường vẫn cần tự tái cơ cấu, mở rộng quy mô nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Và đó mới là giải pháp chính xác nhất.