Theo kết quả kinh doanh của DPR, tháng 10/2011, Công ty đạt sản lượng khai thác 1.769 tấn và chế biến được 2.195 tấn mủ cao su các loại, đạt doanh thu hơn 184,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 52,6 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 10 tháng, DPR đạt 1.587 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế gần 611 tỷ đồng, tương đương 138% kế hoạch năm.
Trước đó, trong báo cáo quý III/2011, DPR cũng có được kết quả lợi nhuận tăng khá mạnh so với năm 2010. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2011 của Công ty đạt hơn 220 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với con số 120 tỷ đồng của năm 2010. Với mức lợi nhuận này, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của DPR đến hết quý III/2011 đạt 11.642 đồng/cổ phiếu.
Việc lợi nhuận quý III/2011 của DPR tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ sự tăng giá mạnh của sản phẩm cao su. Theo đó, giá cao su bình quân quý III/2011 đạt tới gần 93 triệu đồng/tấn, trong khi năm 2010 chỉ đạt hơn 62 triệu đồng/tấn.
Mặc dù có kết quả kinh doanh khá ấn tượng, nhưng Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú vẫn tỏ ra khá thận trọng trong các hoạt động đầu tư, cũng như dự trù kế hoạch kinh doanh thời gian tới.
Minh chứng là, 10 tháng đầu năm 2011, DPR chỉ giải ngân hơn 70,4 tỷ đồng cho các dự án so với kế hoạch đầu tư 190,3 tỷ đồng trong cả năm 2011. Năm 2011, DPR có 9 dự án nằm trong kế hoạch đầu tư, nhưng đến hết tháng 10/2011, mới chỉ có 6 dự án được rót vốn và cũng chỉ có 2 dự án được giải ngân với số tiền trên 10 tỷ đồng là Dự án góp vốn Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú – Kratie (đến hết tháng 10 giải ngân được 32 tỷ đồng) và Dự án góp vốn Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đồng Phú (đã giải ngân hơn 16 tỷ đồng).
Ngoài ra, mặc dù đã vượt xa các chỉ tiêu về kinh doanh, nhưng theo ông Phạm Phi Điểu, người công bố thông tin của DPR, Công ty không có chủ trương điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2011.
Trong khi đó, giới chuyên môn cũng có những đánh giá khá lạc quan về cổ phiếu DPR. Theo Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), DPR là doanh nghiệp có khả năng sinh lợi tốt và gia tăng tiền mặt mạnh mẽ. Điều này có thể tạo cho Công ty những thuận lợi trong việc đầu tư mở rộng mà không cần sử dụng vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên, TLS cũng cho rằng, hoạt động của Công ty cũng tiềm ẩn rủi ro. Chẳng hạn, chất lượng mặt hàng cao su tự nhiên của Việt Nam bị đánh giá thấp, thuế xuất khẩu cao, hoạt động xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhu cầu cao su tự nhiên tại Trung Quốc và Hàn Quốc…
Ngoài ra, doanh thu của DPR cũng bị chi phối nhiều bởi giá bán, vì thế, Công ty phải đối diện với khả năng giảm doanh thu nếu giá cao su trên thị trường sụt giảm.
Thực tế, giá bán cao su trên thị trường sau khi tăng đỉnh điểm trong quý III, đã có sụt giảm trong quý IV. Theo đó, nếu giá cao su bình quân trong quý III đạt tới gần 93 triệu đồng/tấn, thì sang tháng 10 chỉ còn khoảng hơn 88 triệu đồng/tấn và sau đó tiếp tục giảm xuống chỉ còn 75 – 76 triệu đồng/tấn vào tháng 11/2011.